'Có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá và người tham gia đấu giá'

Đó là một trong những nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khi nói về vấn đề sốt đất, đấu giá đất thời gian qua.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành đã trao đổi xung quanh vấn đề sốt đất, đấu giá đất thời gian qua.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.

Cũng một lý do nữa là năm 2020 và 2021 là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch. Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.

"Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương có thể nói là làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những lý do khách quan đó, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá," Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.

Cũng theo Thứ trưởng, vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành.

Cách đây ít ngày, Bộ TN&MT đã có công văn gửi UBND các địa phương. Trong đó, Bộ này đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai.

Bộ Bộ TN&MT cũng khuyến cáo các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất. Đặc biệt, các địa phương là cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. 

Điểm tiếp theo mà Bộ khuyến cáo là: Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một giải pháp mà Bộ TN&MT cũng chỉ ra là các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

"Chúng tôi cũng chỉ ra là cần phải tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất, để làm sao các quy định về đấu giá chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất," ông Lê Công Thành chia sẻ.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.