Vào những ngày giáp tết nhu cầu đi lại bằng phương tiện đường sắt tăng cao, số lượng vé bán ra có hạn nên ngiều người lợi dụng điều này để trục lợi...
Một tối cuối năm, vào vai một người cần mua vé tàu Tết chúng tôi đã đến khu vực ga Hà Nội để mua vé, Khi vừa tới trước cửa ga Hà Nội ngay lập tức có người áp sát hỏi PV muốn mua vé về đâu: “Em cần mua vé về đâu, tầm này vào ga đông lắm, xếp hàng lâu mà nhiều khi còn không mua được vé vì hết rồi. Em cần về đâu cứ nói với anh anh sẽ có vé cho em”. Một người đàn ông tên Tùng mời chào.
Trước cổng ga Hà Nội luôn có 3- 4 người đàn ông hành nghề "cò vé" tàu với giá cao gấp đôi giá thị niêm yết.Trên ảnh hai cò vé đang giao dịch với một người đàn ông tới mua vé. Ảnh Chí Duy |
Khi PV tỏ vẻ muốn mua vé thì người đàn ông này ngay lập tức đưa sang phía bên kia đường đối diện với ga Hà Nội để “tiện làm việc”. Khi được hỏi tại sao lại phải sang tận phía bên này người đàn ông này cho biết: “Qua đây để dễ làm việc hơn em ạ, bên phía đó sợ bị bảo vệ của ga can thiệp, hơn nữa tránh rắc rối”.
Đi cách ga Hà Nội khoảng 50m, người đàn ông tên Tùng bắt đầu ngã giá: “Em muốn về Vinh thì giá vé gường nằm là 700.000 đồng còn giá vé ghế ngồi cứng và mền giá 400.000 đến 500.000 đồng vì vào mấy ngày tết nên giá cao. Em vào ga tầm này chắc chắn không có vé đâu, bọn anh quen biết với bên đại lí nên người ta mới để cho vé thôi”.
Cả ba cổng vào ga Hà Nội đều có "cò" sẵn sàng mời chào, chèo kéo các hành khách. Ảnh Chí Duy |
Trong khi đó giá vé từ Hà Nội đi Vinh ngày 27 tháng Chạp với ghế cứng là 181.000 – 269.0000 đồng giá vé ngồi mềm từ 240.000 đến 300.000 đồng, giá vé nằm từ 340.000 – 450.000 đồng. Lí giải giá vé cao gần gấp đôi giá niêm yết, người đàn ông này giải thích: “Những ngày cao điểm như vậy em phải chấp nhận giá cao mới có vé, chứ tầm này em không mua nhanh là mai ngày kia cũng không còn vé đâu”.
“Nếu em mua thì để lại tên và số điện thoại, đặt cọc cho anh 50% đến giờ tàu chạy em cứ ra đây anh đưa vé cho em. Em yên tâm anh làm ở ga này lâu rồi, làm ăn uy tín để năm sau em còn mua vé chỗ anh nữa”. Khi thấy PV băn khoăn về giá vé, người đàn ông này nói thêm “nếu em mua nhiều anh có thể giảm cho em một chút, giá như vậy là mềm rồi”.
Gần đó 2 người đàn ông khác trong vai xe ôm cũng đang chèo kéo những người tới ga Hà Nội để mua vé tàu Tết. Mặc dù đã có lệnh cấm từ ga Hà Nội nhưng những người này vẫn vào khu vực phía trước ga để chèo kéo khách đi tàu mua vé. Qua ghi nhận của Pv khu vực cổng ga Hà Nội luôn túc trực 3 - 4 "cò" vé hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Người đàn ông theo một hành khách từ cổng vào tận quảng trường ga để mời chào mua vé tàu. Ảnh Chí Duy |
Người dân tuyệt đối không nên mua vé từ “cò”
Ông Hà Quốc Hùng, Trưởng ga Hà Nội khuyên các hành khách khi tới ga nên tới trực tiếp quầy bán vé tại các nhà ga hoặc những bàn hướng dẫn để nắm được thông tin chính xác nhất. Tránh mua phải vé giả, vé không hợp lệ từ những người lừa đảo.
Hiện tại ga Hà Nội đã có những biện pháp để hạn chế những người lạ mặt vào khu vực ga để chèo khéo khách. Một biện pháp khác mà ga Hà Nội đang tiến hành để tuyên truyền tới hành khách là ba mươi phút một lần sẽ phát loa thông báo để người dân đề phòng với “cò vé”. Nội dung tuyên truyền là những vé của hành khách không mua qua các kênh phân phối của ga sẽ không được chấp nhận, những người phía ngoài ga chèo kéo bán vé đều là lừa đảo, bán vé giả.
“Phía ga đã có những biện pháp phối hợp với cơ quan chính quyền địa phương để đưa ra những biện pháp thích hợp để ngăn chặn tình trạng trên”.
Để tránh các sự cố đáng tiếc, hành khách tuyệt đối không được tin lời “cò” và cả những quảng cáo trên các website không phải của ngành đường sắt… Ngành đường sắt chỉ bán vé tàu chính thức qua website www.dsvn.vn hoặc tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý của công ty quản lý.