|
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản đề nghị 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện Chương trình quan trắc nước biển ven bờ.
Cụ thể, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh trên bố trí kinh phí duy trì hoạt động quan trắc nước ở 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh trên; tần suất 2 tuần/lần. Kết quả quan trắc gửi về Bộ TN&MT, công khai cho người dân.
Trong trường hợp có sự cố, hiện tượng bất thường tại các vùng biển trên, Bộ đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các đơn vị kịp thời thực hiện quan trắc và thông báo cho Bộ TN&MT để có hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Quá trình quan trắc trước đó cho thấy chất lượng môi trường nước biển ở 4 tỉnh trên không có biến động đột biến, các thông số quan trắc hầu hết nằm trong giới hạn cho phép.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/12, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã bắt đầu tiêu hủy 606,4 tấn hải sản đông lạnh đang tồn kho được thu mua trước ngày 30/8/2016 không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Được biết, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình đã lấy mẫu tại 29 cơ sở (Lệ Thủy 3 cơ sở, Đồng Hới 10 cơ sở và Bố Trạch 16 cơ sở), trong đó đã tiến hành lấy 130 mẫu để phân tích các chỉ tiêu: cadimi, asen, chì, thủy ngân, phenol, cyanua.
Kết quả, phát hiện 30/130 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó: 2 mẫu mực, 2 mẫu ghẹ và 24 mẫu cá nhiễm cadimi vượt giới hạn theo quy định; 2 mẫu cá phát hiện phenol, cyanua và nhiễm cadimi vượt giới hạn.
Trong đó, tổng số hải sản có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng là 606,4 tấn, chiếm 1/5 số lượng hải sản đang tồn kho. Các loại hải sản đông lạnh có hàm lượng cadimi vượt ngưỡng gồm ghẹ xanh, ghẹ sao, cá ngừ trơn, ngừ bong, cá bống suôn, mực chan chu và một số loại cá nục.
Sở TN&MT Quảng Bình đã đưa toàn bộ khối lượng hải sản này đi tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật và môi trường. Dự kiến, việc tiêu hủy số thủy hải sản không an toàn hoàn thành vào ngày 14/12 tới.