Công trình 8B Lê Trực 'ra đời' như thế nào ?

Tháng 12/2008, ông Nguyễn Thế Thảo khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chức năng khu 8B Lê Trực từ nhà ở chung cư thành trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê.
avatar_1575861772331

Sau hơn 4 năm, Hà Nội mới chỉ cắt ngọn được tầng 19 và tum thang công trình 8B Lê Trực. (Ảnh: Lê Quân)

Tháng 12/2008, ông Nguyễn Thế Thảo khi đó là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỉ lệ 1/500, lô đất có hiệu L30.

Cụ thể, điều chỉnh chức năng khu 8B Lê Trực từ nhà ở chung cư thành trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; diện tích lô đất L30 từ 3.070 m2 lên 3.349 m2; mật độ xây dựng từ 40% lên 60%; tổng diện tích sàn từ 6.140 m2 lên hơn 28.000 m2; tầng cao trung bình từ 5 tầng lên thành 13,4 tầng (gồm cụm công trình nhà ở cao 4 tầng và cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 5 tầng). Chiều cao công trình theo ý kiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam tối đa là 70 m.

Tháng 3/2009, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Sau đó, tháng 4/2009, ông Bùi Văn Chiểu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lúc bấy giờ, cũng duyệt kết quả thẩm định thiết kế cơ sở có nội dung xây dựng công trình cao 17 tầng không kể 2 tầng thuật, 1 tầng mái và 4 tầng hầm, chiều cao từ nền tầng 1 đến đỉnh mái là 69,1 m.

Năm 2010, công trình đã thi công xong cọc khoan nhồi, tường vây, 4 tầng hầm đến mặt đất theo kết cấu có quy mô công trình 4 tầng hầm, 20 tầng nổi với chiều cao công trình là 69,1 m. Nhưng khi công trình đang xây dựng dở dang đã xong 4 tầng hầm thì bị dừng lại trong thời gian nghiên cứu làm quy hoạch chung Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050.

Công trình 8B Lê Trực 'ra đời' như thế nào ? - Ảnh 2.

Công trình 8B Lê Trực "sai phạm nghiêm trọng" vẫn ngạo nghễ thách thức hiệu quả quản lý của chính quyền. (Ảnh: Lê Quân)

Tháng 7/2013, UBND TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng xin cho dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực được tiếp tục triển khai. Chỉ tiêu xây dựng có điều chỉnh mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44 m (thấp hơn nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26 m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận tháng 3/2009).

Bộ Xây dựng cũng thống nhất với đề nghị của Hà Nội cho phép tiếp tục dự án cao ốc tại số 8B Lê Trực theo phương án là thiết kế tòa nhà dạng giật cấp.

Tháng 3/2014, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, kí cấp phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực với các hạng mục, trong đó có trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê, diện tích xây dựng là hơn 1.700 m2; tổng diện tích sàn hơn 29.000 m2 (chưa kể diện tích 4 tầng hầm); chiều cao công trình 53 m, 18 tầng nổi (bao gồm cả tầng thuật, tum thang); 4 tầng hầm.

Tháng 9/2015, dư luận bắt đầu xôn xao về công trình “pháo đài” dòm Lăng Bác. Sau đó, đoàn liên ngành do Thanh tra Hà Nội chủ trì đã vào cuộc làm rõ công trình xây dựng sai phạm.

Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép...

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.