Cục Hàng không 'trần tình' về thông tin bác đơn xin cấp phép của Hãng hàng không Tre Việt

Ngày 15/6, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không có chuyện Cục trả lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airways).
cuc hang khong tran tinh ve thong tin bac don xin cap phep cua hang hang khong tre viet
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airways) đã chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Ông Lại Xuân Thanh cho hay, trước đó do có sự hiểu lầm nên một cơ quan báo chí đã có thông tin không đúng là Cục Hàng không Việt Nam bác đơn xin cấp phép thành lập Hãng hàng không Tre Việt.

Hiện nay thì hồ sơ xin cấp phép thành lập hãng hàng không này đã được doanh nghiệp nộp đến Cục và đang được các đơn vị chức năng của Cục Hàng không Việt Nam thẩm tra.

Trước đó, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airways) đã chính thức nộp hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Ngày nộp hồ sơ là tuần đầu tiên của tháng 6.

Người đứng tên Tổng giám đốc Viet Bamboo Airways là ông Đặng Tất Thắng, hiện là Phó tổng giám đốc của Tập đoàn FLC - công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ của Viet Bamboo Airways.

Tại hồ sơ xin cấp phép, Viet Bamboo Airways có văn bản xác nhận vốn điều lệ 700 tỷ đồng; Sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp, Quyết định bổ nhiệm nhân sự, Hợp đồng lao động; Điều lệ hoạt động và thoả thuận về việc thuê máy bay.

Riêng điều kiện về phương án bảo đảm có máy bay khai thác, Bamboo Airway cho biết, đã ký thoả thuận về việc sẽ thuê 7 máy bay thân hẹp một lối đi thuộc dòng A320 của Airbus để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2018.

Ngoài ra, tại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh của Viet Bamboo Airways cũng có các thông tin cơ bản về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển của hãng, trong đó có đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường, mức độ cạnh tranh của dịch vụ cung cấp, chiến lược phát triển đội máy bay...

Theo quy định, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không phải có tối thiểu 3 máy bay duy trì trong suốt quá trình kinh doanh vận tải hàng không 5 năm đầu.

Đối với doanh nghiệp không sở hữu máy bay mà đi thuê về khai thác, có thể chọn hình thức thuê ướt (thuê máy bay có tổ lái) hoặc thuê khô (thuê máy bay không có tổ lái).

Tuy nhiên, đến hết năm thứ 2 hoạt động phải giảm số lượng thuê ướt xuống không quá 30% đội máy bay. Tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không, quy định: doanh nghiệp có nhu cầu, gửi hồ sơ xin cấp phép về Cục Hàng không Việt Nam.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả thẩm định. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được báo cáo của cục, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép. Tối đa 5 ngày sau đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện cấp phép theo quy định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.