Tin tức
Tìm theo ngày
Cúng Tết Trung thu cần chuẩn bị những gì?

Cúng Tết Trung thu cần chuẩn bị những gì?

Tết Trung thu là một ngày lễ lớn của các quốc gia Châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Ở Trung Quốc, ý nghĩa Tết Trung thu được bắt nguồn từ phong tục cúng trăng vào mùa thu để tạ ơn mùa màng.

Trong khi đó, ý nghĩa Tết Trung thu ở Việt Nam bắt nguồn từ sự tích chú Cuội bay lên mặt trăng, một biến thể khác là câu chuyện của chị Hằng Nga và Thỏ Ngọc.

Trải qua quá trình phát triển về văn hoá và lịch sử, Tết Trung thu ngày càng chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn, bao gồm việc gắn kết gia đình bằng cách quây quần bên nhau và chuẩn bị mâm cúng để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc.

Dưới đây là những điều mà bạn cần phải biết trước khi bắt đầu nghi thức cúng Tết Trung thu và phá cỗ.

Mâm cúng Tết Trung thu gồm những gì?

Mâm cỗ là yếu tố không thể thiếu để thực hiện việc cúng Tết Trung thu, tuỳ vào mỗi vùng miền, phong tục và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cúng sẽ được bày trí khác nhau.

Thông thường, mâm cúng Tết Trung thu thường sẽ chia thành mâm cúng gia tiên và mâm cúng trông trăng.

Chuẩn bị mâm cúng gia tiên

Mâm cúng gia tiên cũng bao gồm các thành phần cơ bản mà các gia đình thường chuẩn bị để cúng vào dịp rằm tháng 1 và rằm tháng 7, đồng thời bổ sung một số yếu tố khác, cụ thể như sau:

- Bánh trung thu: thường gồm cả hai loại bánh nướng và bánh dẻo, với 2 hình dáng vuông và tròn tựa như trời và đất, thể hiện mong muốn dâng lên tổ tiên những tinh hoa đất trời.

- Mâm ngũ quả: Miền Bắc thường dùng các loại quả như chuối, bưởi, đào, hồng, cam,... để trang trí. Miền Nam thường trang trí với các loại quả màu sắc hơn như đu đủ, mãng cầu, dừa, xoài, sung...

- Trầu cau, hương nhang, đèn dầu hoặc nến.

- Tiền, vàng, 1 chén rượu, 1 chén trà, 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối.

- Hoa tươi: thường dùng hoa cúc vàng, hoa cúc trắng hoặc hoa hồng.

- Xôi chè: các món xôi và chè chay hoặc mặn có thể tùy chỉnh theo mỗi gia đình.

Chuẩn bị mâm cúng trông trăng

Đối với mâm cỗ trông trăng, thay vì bày lên bàn thờ, các gia đình thường đặt trên bàn để mọi người cùng thưởng thức sau khi cúng. Sau đây là những loại trái cây thường được trang trí trên mâm cúng trông trăng:

- Quả chuối xanh: tượng trưng cho sự che chở của đất trời. Nên chọn những nải chuối tươi xanh, vỏ bóng, chuối có hình dáng hơi cong và có từ 12 - 16 quả.

- Quả hồng đỏ: thể hiện ước nguyện về sự may mắn và những điều tốt đẹp trong tương lai.

- Quả bưởi vàng: có ý nghĩa mong cầu cho gia đình được an lành.

- Quả dưa hấu: thể hiện mong muốn gia đình ấm no, dư dả và may mắn.

- Quả na: biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở.

- Quả xoài: tượng trưng cho sự sung túc, không bị thiếu thốn tiền bạc.

- Quả đu đủ: thể hiện mong muốn đủ đầy trong cuộc sống.

- Lồng đèn Trung thu: thường sử dụng đèn ông sao với năm cánh tượng trưng cho Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Ông bà ta tin rằng thắp đèn ông sao có thể xua đuổi ma quỷ, cầu mong may mắn, bình an.

Một số lưu ý khi chuẩn bị cúng Tết Trung thu

Bên cạnh việc chuẩn bị các loại bánh kẹo, hoa quả, xôi chè,... các bạn cũng cần chú ý một số vấn đề khác như thời gian cúng Tết Trung thu và vị trí đặt mâm cỗ, để giúp cho quá trình thực hiện diễn ra một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Nên cúng Trung thu lúc mấy giờ?

Tết Trung thu thường được tổ chức vào ngày 15/8 Âm lịch, vì vậy Năm 2022, Tết Trung thu rơi vào thứ Bảy (10/9) bạn có thể mua sẵn các loại bánh kẹo, hoa quả trước đó để quá trình sắp xếp nhanh chóng hơn.

Quan niệm xưa cho rằng các vị thần thường dùng bữa sớm, do đó gia chủ cần xác định việc cúng Tết Trung thu sẽ bắt đầu vào bữa sáng hay bữa chiều.

Nếu bạn lựa chọn cúng vào chiều ngày 14 Âm lịch hoặc chiều ngày 15 Âm lịch, nên đảm bảo lễ cúng xong trước khoảng 6 - 7h tối.

Trong trường hợp gia đình chuẩn bị mâm cúng vào sáng ngày 15 Âm lịch, nên hoàn thành trước khoảng 9 - 10h sáng.

Vị trí đặt mâm cúng Tết Trung thu

Theo những nghiên cứu về phong thuỷ, mâm cỗ cúng rằm Trung thu thường được đặt ở ngoài sân hoặc trên sân thượng để “trông trăng”. Đây là vị trí thích hợp nhất để đón được khí vượng tài lộc và cát lành từ ánh trăng trong Tết Trung thu.

Đối với việc lựa chọn vị trí của mâm cúng, gia chủ không cần phải xem xét các yếu tố hợp tuổi hay hợp mệnh phong thuỷ như các lễ cúng khác.

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý trong việc lựa chọn món ăn, các chuyên gia về phong thuỷ khuyên rằng chỉ nên cúng thịt heo hoặc thịt gà và không nên cúng thịt các loài như chó, mèo, trâu,… trong rằm Trung Thu.

Trên đây là những bước chuẩn bị cơ bản nhất khi cúng Tết Trung thu, bạn cũng có thể tham khảo thêm các cách bày trí của từng vùng miền và thay đổi tùy theo mục đích và điều kiện của mình.

Trong thực tế, việc cúng Tết Trung thu được xem là một nét đẹp văn hoá và không đặt nặng quá nhiều về ý nghĩa tâm linh, quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm và sự sum vầy của mỗi gia đình.