Trong sự kiện “Thu vọng nguyệt” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ban tổ chức chương trình và các nhà văn hóa sẽ tái hiện lại gần như đầy đủ một mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội (thế kỷ XVIII). Con giống bột (nhiều người vẫn nhầm tưởng là tò he), một món đồ chơi đã bị thất truyền từ lâu của người Hà Nội sẽ được các nghệ nhân phục dựng lại và bày biện trong mâm cỗ. Ở đó, người xem sẽ hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống xưa và những thay đổi hiện đại của Tết Trung thu nay.
Mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội xưa được Ban tổ chức Thu vọng nguyệt phục dựng lại. |
Theo nghệ nhân Trinh Bách - người đam mê với văn hóa dân gian của dân tộc, dành tâm huyết để tìm những tư liệu nghiên cứu về văn hóa truyền thống cho biết: "Mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau, nhưng một cỗ Trung thu cổ truyền bắt buộc phải có mâm ngũ quả, với các hoa quả theo mùa như na (mãng cầu), bưởi, cam, quít, lựu. Quan trọng nhất vẫn là hồng, cốm và chuối tiêu chín nám trứng cuốc."
Mâm ngũ quả. |
Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen. Và còn phải có bánh con lợn, con cá nho nhỏ cho trẻ con. Ngoài ra, một trong những món bày trong bữa cỗ Trung thu mà trẻ em rất thích là con giống bột. Những con giống này bày trên mâm cỗ và là món đồ chơi, đồ ăn được trẻ con thích nhất, khi phá cỗ thì tranh nhau chọn đầu tiên.
Đĩa con giống bột. |
Trên mâm cỗ Trung thu của người Hà Nội xưa (khoảng thế kỷ XVII - XVIII) ngoài những món ăn trẻ nhỏ thích để phá cỗ, người lớn cũng có 1-2 món mặn để vừa nhắm rượu vừa trông trăng. Đĩa giò ốc nhồi lá gừng là món nấu độc nhất của cỗ Trung thu. Ngoài ra, người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương Cự Đà pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Giò ốc và gỏi cá thường được thưởng thức với rượu Mai Quế Lộ. Nhưng các món này chỉ được dọn ra hạn chế, tùy gia đình.
Đĩa ốc nhồi trong mâm cỗ Trung Thu xưa. |
Nơi đặt mâm cỗ Trung thu nên được bầy ở ngoài vườn. Nhưng do điều kiện sinh sống chật hẹp ở thành thị, cỗ thường được dọn ra trên sân thượng, ngoài hiên, hoặc gần cửa sổ để có thể ngắm được trăng. Khi trăng đã tỏ, thường là khoảng tám giờ tối, và sau khi người lớn đã cúng rằm xong, trẻ con bắt đầu phá cỗ. Và đối với trẻ con thì việc tranh chia những con giống bột từ bàn ngũ quả trong màn phá cỗ đêm Trung Thu là điều quan trọng không thua gì việc rước đèn, múa sư tử, hay nhâm nhi bánh trái của dịp lễ này.
Phố Hàng Mã ngày nay bán đèn lồng Trung thu. |
Đèn Trung thu Hà Nội năm 1915 (Albert Kahn) |
Đèn Trung Thu Hà Nội 1900 (Albert Kahn). |
Có ba phẩm vật của Tết Trung Thu đươc trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh Trung thu, con giống bột, và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử.
Bộ tứ linh của phong cách con giống bột Trung Thu Phố Khách Hà Nội |
Nghệ nhân Trịnh Bách chia sẻ: "Trước những năm 1960, mỗi dịp Rằm tháng Tám là các con giống nặn bằng bột lại được bày bán khắp nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, như thành phần không thể thiếu cho mâm cỗ Trung Thu. Khác với con tò he bây giờ làm bằng bột tẻ dẻo, con giống làm bằng bột hoành tinh pha bột nếp ngày xưa cứng cáp, giữ được nhiều năm".
Lối sống 02:32 | 03/10/2017
Giải trí 04:09 | 01/10/2017
Giải trí 02:30 | 30/09/2017
Lối sống 23:29 | 26/09/2017
Lối sống 11:31 | 26/09/2017
Lối sống 08:58 | 26/09/2017
Lối sống 00:55 | 25/09/2017