Hàng nghìn luật sư giúp người bị bắt vì lệnh cấm nhập cảnh | |
Không thể làm đám cưới vì lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump |
Ông Kjell Magne Bondevik từng đảm nhiệm cương vị thủ tướng Na Uy nhiệm kỳ 1997-2000 và 2001-2005. Theo Guardian, ông bay từ châu Âu đến Mỹ chiều 31/1 để tham dự một sự kiện.
Tại sân bay Washington Dulles, Bondevik bị tạm giữ trong khoảng một giờ, sau khi nhân viên hải quân thấy hộ chiếu rằng ông từng tới Iran năm 2004. Bondevik nói hộ chiếu cũng cho thấy rõ ông là cựu thủ tướng Na Uy.
"Dĩ nhiên tôi hoàn hiểu nỗi lo lắng khi để lọt những kẻ khủng bố vào nước này. Nhưng nhìn thấy hộ chiếu ngoại giao cho thấy tôi là cựu thủ tướng, điều đó đủ để họ hiểu rằng tôi không đại diện cho bất kỳ mối lo ngại hay đe doạ nào đến đất nước này và để tôi đi ngay lập tức. Nhưng họ không làm vậy", ông nói.
Cựu thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik. Ảnh: Bloomberg |
Bondevik nói ông được yêu cầu chờ 40 phút trước khi thẩm vấn khoảng 20 phút về chuyến đi đến Iran. Ông bị tạm giữ trong căn phòng cùng những người tới từ Trung Đông và châu Phi.
"Tôi rất ngạc nhiên và bị chọc giận. Danh tiếng của Mỹ sẽ như thế nào nếu điều này xảy ra với không chỉ cá nhân tôi mà còn với nhiều lãnh đạo thế giới khác?", Guardian dẫn lời ông cho hay.
Tổng thống Donald Trump hôm 27/1 ký sắc lệnh hành pháp mới, cấm công dân 7 nước Hồi giáo bao gồm Iran, Iraq, Libya, Yemen, Syria, Sudan và Somalia nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, đồng thời tạm dừng chương trình tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày.
Sắc lệnh này đã gây hỗn loạn trên khắp các sân bay Mỹ và thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối. Nhiều người trên đường đến Mỹ, bao gồm cả người có thẻ xanh, đã bị tạm giữ khi đến sân bay hoặc nhân viên an ninh từ chối cho lên máy bay.
Giới chức sân bay nói với Bondevik rằng ông bị tạm giữ theo điều luật năm 2015 do cựu Tổng thống Barack Obama ký, trong đó giới hạn những người tới từ 7 quốc gia trên, hay người nước khác từng tới 7 quốc gia đó.
Tuy nhiên, cựu thủ tướng cho biết ông chưa từng gặp vấn đề khi đến Mỹ trước đây. Trước chuyến đi, đại sứ quán Mỹ tại Oslo thông báo rằng chỉ cần hộ chiếu và giấy tờ nhập cảnh là đủ.