Đã giải ngân 55.500 tỷ đồng trong gói kích thích kinh tế

Trước đó hồi tháng 1, Quốc hội đã thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023, chi cho 5 nhóm trọng tâm.

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. (Ảnh: VGP/ Nhật Bắc).

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng báo cáo đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc gói kích thích kinh tế sơ bộ đạt 55.500 tỷ đồng.

Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng; gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế.

Trước đó hồi tháng 1, Quốc hội đã thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023, chi cho 5 nhóm trọng tâm, trong đó có mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phát triển kết cấu hạ tầng.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

CPI bình quân 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ. 

Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%. Tiêu dùng trong nước phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 0 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, một số công trình quan trọng đã được đưa vào sử dụng như đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Hạ Long-Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2; Nhiệt điện Thái Bình, Nghi Sơn, Sông Hậu.

 

 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.