Khánh Hòa là một trong 4 địa phương của cả nước có các dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân rất thấp so với kế hoạch vốn năm được giao, dưới mức bình quân chung của cả nước là 30% kế hoạch vốn. Do đó, từ nay đến cuối năm, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đẩy mạnh các giải pháp, giải quyết các ách tắc để đến ngày 31/1/2023 sẽ thực hiện giải ngân vốn kế hoạch đạt 100%.
Dự án môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án TP Nha Trang có thời gian thực hiện trong giai đoạn 2017 – 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân; trong đó có dịch COVID-19, hiện chủ đầu tư đang thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.
Ông Hồ Tấn Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hoà cho biết, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đơn vị đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến đến quý II/2023 sẽ hoàn thành.
Đối với 2 hạng mục chính của dự án là Nhà máy xử lý nước thải và đường giao thông, gói thầu NT-1.7 "Xây dựng nhà máy xử lý nước thải phía bắc; cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí cho các trạm bơm nước thải" không vướng mắc về đất xây dựng mà vướng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện trạng (đường ống nước, ống bùn và đường điện trung thế 22 kV), UBND tỉnh đang trong quá trình chỉ đạo di dời, giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa thể triển khai thi công. Hiện các thiết bị nhập khẩu đã được giao đúng hạn.
"Đến 15/8, dự án môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu dự án TP Nha Trang đã giải ngân được 24,5% kế hoạch vốn được giao. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt 83,8%. Đây là một con số không hề nhỏ, trong khi giai đoạn 2 có đến 2 gói thầu gặp khó chưa thể ký hợp đồng và triển khai trong thời gian này", ông Hồ Tấn Quang nói.
Dự án D30 - kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp (TP Nha Trang) được người dân địa phương kỳ vọng rất lớn bởi thuận tiện trong giao thông sau khi dự án hoàn thành. Dự án được khởi công vào cuối năm 2020, kế hoạch đến cuối năm 2021 đưa vào khai thác.
Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh có mức tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, luỹ kế vốn được giao hơn 60 tỷ đồng, dự án đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 69,42%. Năm 2022, kế hoạch vốn Thủ tướng giao cho tỉnh thực hiện dự án hơn 25 tỷ đồng. Đến 24/8, giá trị giải ngân đạt hơn 5,3 tỷ đồng đạt 21,2 %. Dự kiến đến 30/9 sẽ giải thêm 15 tỷ đồng, đến ngày 31/1/2023 sẽ đạt giải ngân 100% vốn đầu tư công.
Ông Quách Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển tỉnh Khánh Hoà cho biết: các hạng mục không vướng mặt bằng đã được hoàn thiện. Chỉ cần đơn vị có mặt bằng để thi công thì khoảng 6 tháng sau dự án đường D30 sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
"Đến nay vẫn còn 41 hộ dân bị ảnh hưởng, chúng tôi nỗ lực tìm giải pháp cùng TP Nha Trang để triển khai họp hội đồng bồi thường, tái định cư hợp lý cho người dân trong thời gian sớm nhất. Đơn vị rất mong các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh họp xét phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư để sớm hoàn thành sớm việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao thi công để hoàn thiện công trình", ông Quách Thanh Sơn thông tin.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2022 tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công gần 3.520 tỷ đồng. Đến ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trên địa bàn tỉnh này đạt 30,4% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Có nhiều nguyên nhân, đến nay Khánh Hoà có một số dự án có tỷ lệ giải ngân 0% như dự án đường quốc lộ 1 đi Bến Miễu; xây dựng Cầu Huyện 2 và đường dẫn; kè, đập ngăn mặn sông Đá Hàn; dự án cầu qua sông Kim Bồng, Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Khánh Hòa…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với các dự án có vốn đầu tư công lớn như 2 bệnh viện là Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đa khoa Nha Trang thì gói thầu xây lắp đã đạt được 95%, tuy nhiên gói thầu thiết bị đang gặp khó khăn.
Mặt khác, thời gian vừa qua tỉnh Khánh Hòa đón nhận các nghị quyết của Trung ương; trong đó huyện Cam Lâm được xác định là đô thị sân bay. Vì vậy, có một số công trình được Trung ương bố trí vốn, tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin dừng; còn dự án sử dụng vốn của tỉnh đã báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xin chấm dứt. Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì tiếp tục các dự án liên quan đến an sinh xã hội như trường học, y tế, các công trình công cộng. Khó khăn lớn nhất của tỉnh là giải phóng mặt bằng đền bù giải tỏa hiện đang gặp khó khăn.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh đặt ra các mốc giải ngân như: đến ngày 31/8 sẽ đạt tiến độ giải ngân 41%, đến ngày 30/9 thì đạt 60%; đến ngày 31/1/2023, tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ giải ngân hết 100% vốn đầu tư công.
Theo ông Tuân, dẫu gặp vướng mặt, khó khăn, tỉnh đang nỗ lực giải quyết từng phần cho mỗi dự án. Hiện nay đã có một số đơn vị tham gia vào gói thầu thiết bị của 2 dự án bệnh viện. Tỉnh Khánh Hòa quyết tâm đưa Bệnh viện Ung bướu vào hoạt động vào cuối năm 2022, còn Bệnh viện Đa khoa Nha Trang sẽ đưa vào hoạt động trong quý I/2023.
Trong buổi kiểm tra thực tế các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2022 mới đây (sáng 25/8) tại TP Nha Trang, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh Khánh Hoà và các tỉnh Sóc Trăng, Nghệ An, Phú Yên đều nằm trong nhóm những địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm dưới 50%. Vì vậy, các tỉnh phải nhìn nhận những thiếu sót của mình và cần tập trung các giải pháp để thực hiện.
Nhìn chung, về nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân ở Khánh Hoà nói riêng và các tỉnh khác là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương cần phải chuẩn bị trước một bước khi thực hiện dự án, như khẩn trương xây dựng các khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.
Còn về thủ tục đấu thầu, chuyển đổi đất trồng lúa và ảnh hưởng môi trường thì vướng mắc chỗ nào sẽ kiến nghị chỗ đó để giải quyết, tháo gỡ. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến vấn đề thủ tục (dự án, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công…) phải đi trước một bước trong thực hiện dự án.