Dự đoán trên được đưa ra vào thời điểm thị trường hàng hóa công nghiệp đang theo dõi sát sao khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, khi mà nhiều nước còn phải vật lộn với số ca xác nhận nhiễm Covid-19 tăng cao.
Theo CNBC, đại dịch cũng khiến các cơ quan quốc tế đưa ra dự báo kinh tế khá ảm đạm. Ví dụ, vào ngày 16/9, OECD cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn "đặc biệt bất ổn" dù không suy thoái sâu như dự đoán trước.
Tuy nhiên, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - gần đây báo cáo rằng kể từ thời điểm đầu năm 2020, sản lượng công nghiệp của họ vừa tăng mạnh nhất vào tháng 8. Đây là một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang lớn dần.
Trong số liệu công bố ngày 15/9, Trung Quốc cho biết so với cùng kì năm ngoái, tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong nước đã tăng lên 5,6% vào tháng 8. Trung Quốc cũng là một trong các nền kinh tế ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi trong các tháng qua.
Số liệu mới củng cố quan điểm rằng nhu cầu hàng hóa của Bắc Kinh đang tiếp tục phục hồi, một phần nhờ vào kích thích của chính phủ.
Ông Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa EMEA tại Citi, cho hay: "Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đã phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng các kích thích tài khóa, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng sử dụng nhiều kim loại công nghiệp".
"Thật đáng kinh ngạc khi thấy Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ như thế nào trong lĩnh vực xây dựng, kết quả phản ánh qua sự hồi phục ngoạn mục ở mảng hàng hóa công nghiệp", ông Layton nói tiếp.
Nhà phân tích của Citi đã xác định "ba chất xúc tác lớn" mà các nhà đầu tư hàng hóa có thể theo dõi từ nay đến cuối năm, gồm tin tức về vắc xin ngừa Covid-19, sức mạnh của sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc và qui mô gói kích thích mới của Mỹ.
Ông Nitesh Shah - Giám đốc phụ trách nghiên cứu của WisdomTree Investments (trụ sở tại New York), nhận định: "Tôi nghĩ các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thu hút phần nhiều các kích thích kinh tế. Chúng tôi biết nhiều nước phát triển đang bị chững lại ở các dự án cơ sở hạ tầng và vấn đề này có thể được gỡ rối trong cuộc khủng hoảng hiện nay".
"Tại sao lại lãng phí một cơ hội tốt như bây giờ? Chúng ta thực sự có thể giải quyết nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã nằm im chờ đợi hàng chục năm để có thể vượt qua khủng hoảng Covid-19", ông Shah tiếp tục.
"Khi nhìn vào phản ứng của các nền kinh tế trong cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta thấy có chính sách tài khóa, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất và bơm tiền vào thị trường tài chính. Giai đoạn tiếp theo sẽ là đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu", Andy Critchlow - nhà phân tích cấp cao tại S&P Global Platts lập luận.
"Chúng ta từng thấy động thái tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009. Khi đó, thị trường hàng hóa công nghiệp từng tăng mạnh, đó là một siêu chu kì", ông Critchlow nói tiếp.
"Tôi đang theo dõi kĩ các mặt hàng như quặng sắt vì nhóm hàng hóa công nghiệp này sẽ tăng vọt nếu chúng ta tập trung kế hoạch phục hồi kinh tế vào lĩnh vự cơ sở hạ tầng. Ngoài quặng sắt, dầu mỏ cũng là một hàng hóa có khả năng tăng mạnh", CNBC dẫn lời nhà phân tích của S&P Global Platts nhấn mạnh.
Giá quặng sắt giao ngay đã tăng lên mức đỉnh 6 năm rưỡi vào ngày 14/9, giao dịch gần mức 129 USD/tấn quặng khô nhờ vào sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã tăng hơn 37%.
Cùng với lãi suất gần mức 0 trên toàn cầu, nhu cầu phòng ngừa rủi ro lạm phát đã giúp giá vàng giao ngay tăng hơn 28% trong năm nay, trong khi giá bạc tăng khoảng 50% trong cùng kì.
Hướng đến năm 2021, ông Critchlow gợi ý một số nền kinh tế thuộc nhóm lớn nhất thế giới, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, sẽ sớm công bố các dự án cơ sở hạ tầng "qui mô khủng". Vị chuyên gia này còn lưu ý rằng hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden đều đã cam kết chi "một số tiền lớn" cho cơ sở hạ tầng.
"Điều đó có lợi cho nhu cầu dầu mỏ và thị trường hàng hóa công nghiệp trên diện rộng", ông Critchlow nhận định.
Tháng trước, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã công bố chương trình nghị sự cho nhiệm kì hai của ông chủ Nhà Trắng, trong đó cam kết "xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt vời nhất thế giới cho nước Mỹ".
Cho đến nay, quan điểm về đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong tương lai của ông Trump vẫn còn mơ hồ và cuộc họp báo của chiến dịch tranh cử hồi tháng 8 cũng không cho biết thêm chi tiết nào về lời hứa của ông.
Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã cam kết chi 2.000 tỉ USD "để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, hiện đại và một tương lai năng lượng sạch cho nước Mỹ". Ông Biden nói, nếu đắc cử, ông dự kiến sẽ xây đường xá, cầu cống, các không gian xanh, hệ thống nước,..
Ông Layton của Citi nhận định, ở một mức độ nào đó thìnhà đầu tư tin tưởng hai ứng viên tổng thống Mỹ năm 2020 đều sẽ rót vốn vào cơ sở hạ tầng, cho nên thị trường hàng hóa công nghiệp có thể hưởng lợi.