'Đại bàng' liên tục hạ cánh, Thái Bình 'dọn tổ' đến đâu?

Kể từ đầu tháng 10 đến nay, Thái Bình đã đón loạt dự án FDI với tổng vốn gần 1,2 tỷ USD. Để "dọn tổ đón đại bàng", địa phương này đang dồn lực đẩy tiến độ loạt KCN trọng điểm, gồm Liên Hà Thái, VSIP, Hải Long, Thaco - Thái Bình và KCN Dược - Sinh học 346 ha.

Vốn ngoại đều đặn chảy về Thái Bình

Một góc KCN Liên Hà Thái. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Bình).

Hồi tháng 10 vừa qua, Thái Bình đã đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án FDI tại khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái, tổng vốn 270 triệu USD, qua đó đánh dấu lần đầu tiên địa phương này thu hút trên 1 tỷ USD vốn ngoại trong năm. 

Vài ngày sau đó, KCN Liên Hà Thái tiếp tục đón dự án hơn 100 triệu USD từ Tập đoàn HiteJinro (Hàn Quốc) để đầu tư xây dựng nhà máy quy mô diện tích 8,4 ha. Tập đoàn Năng lượng BP - doanh nghiệp dầu khí lớn nhất nước Anh, trong buổi làm việc với Thái Bình giữa tháng 10 cũng hé lộ tham vọng đầu tư một trung tâm năng lượng tích hợp tại địa phương ven biển này.

Đến đầu tháng 11, Geleximco đã bắt tay Tập đoàn Cherry (Hàn Quốc) ký hợp đồng hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng vốn khoảng 800 triệu USD.

Trước những động thái mạnh tay của các doanh nghiệp nước ngoài thời gian qua, Thái Bình cho biết tỉnh kỳ vọng sẽ dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ngoại trong năm 2023.

Tiềm năng công nghiệp của Thái Bình đã được giới chuyên gia nhìn nhận từ vài năm trở lại đây, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình.

Thời điểm đó, TS-KTS Nguyễn Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhìn nhận, Thái Bình nằm trong hành lang kinh tế biển duyên hải bắc bộ nên có tiềm năng và cơ hội phát triển lớn. 

"Quảng Ninh, Hải Phòng đều đã có khu kinh tế. Đối với Thái Bình, Thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch KKT Thái Bình với diện tích 31.000 ha, chiều dài bám biển 54 km. Về tính chất, đây sẽ là KKT tổng hợp, đa ngành với các khu chức năng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị nghỉ dưỡng,...

Theo tôi, KKT Thái Bình sẽ trở thành động lực để khai thác hiệu quả các quỹ đất của địa phương này. Khi tuyến cao tốc ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa hoàn thành, chắc chắn BĐS ở Hải Phòng, Thái Bình hay Nam Định đều sẽ phát triển".

Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Hải Phát Invest thời điểm đó cũng từng đưa ra dự báo, trong 3 - 4 năm tới, khu Quảng Yên (Quảng Ninh) sẽ phát triển như khu Đình Vũ (Hải Phòng), về dài hạn sau 5 năm khi quỹ đất ở Quảng Yên đã được khai thác thì quỹ đất mới ở của Tiền Hải (Thái Bình) hay Quất Lâm (Nam Định) sẽ là điểm đến của các chủ đầu tư lớn.

Tiến độ các KCN trọng điểm đang triển khai của Thái Bình

Theo Phòng Thống kê Công nghiệp Thái Bình, tính đến năm 2020, địa phương này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch nhiều khu công nghiệp, như KCN Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Sông Trà, Tiền Phong, Diêm Điền, Thanh Nê...

Trong đó, một số KCN như Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh và Tiền Hải đã lấp đầy 100%, KCN Gia Lễ lấp đầy khoảng 94%...

Theo thống kê của người viết, để gia tăng quỹ đất công nghiệp đón nhà đầu tư nước ngoài, Thái Bình đã và đang triển khai khoảng 5 dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn.

Đầu tiên là KCN Liên Hà Thái tại huyện Thái Thuỵ có diện tích gần 600 ha, tính đến tháng 11/2023 đã GPMB được 586 ha. Địa phương đang tiếp tục GPMB hơn 7,6 ha còn lại bàn giao cho CTCP Green i-Park đầu tư hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Đến nay, KCN Liên Hà Thái đã thu hút được 14 dự án thứ cấp, trong đó có 5 dự án đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động; còn 9 nhà đầu tư thứ cấp đang nghiên cứu đầu tư với nhu cầu sử dụng 129ha đất. 

Kế đến là KCN VSIP Thái Bình, dự án này do CTCP Phát triển Đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư, có quy mô sử dụng đất 333,4 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.932 tỷ đồng, tương đương gần 212 triệu USD.

VSIP Thái Bình là một trong 12 dự án VSIP mà Việt Nam - Singapore đã ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Singapore tại buổi làm việc cuối tháng 8 vừa qua. Địa điểm thực hiện dự án nằm tại 2 xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.

Các thủ tục về công tác GPMB, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... được thực hiện song song để rút ngắn thời gian triển khai dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2024. 

Đại diện VSIP cho biết đã chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực và phương án để thực hiện, đồng thời thông tin về KCN VSIP Thái Bình tới các đối tác nhà đầu tư nhằm mở đường cho hoạt động thu hút đầu tư dự án thứ cấp khi KCN đủ điều kiện. 

Tại buổi làm việc chiều ngày 14/11, huyện Thái Thụy cho biết đang thực hiện các bước công tác GPMB phục vụ cho nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án thứ cấp vào hoạt động.

Hồi đầu năm nay, một KCN lớn ở Thái Bình đã được khởi công là KCN Hải Long. Dự án này có diện tích 297 ha, thuộc địa phận các xã: Đông Trà, Đông Long và Đông Xuyên (huyện Tiền Hải), tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nhà đầu tư hạ tầng là CTCP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh.

Báo Thái Bình dẫn thông tin từ huyện Tiền Hải cho biết, tính đến tháng 10/2023, giai đoạn 1 của dự án đã GPMB được 30,6 ha nằm trên địa bàn xã Đông Trà. Huyện đã hoàn thành GPMB được 30 ha và đang triển khai GPMB diện tích còn lại để sớm bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, tiến độ triển khai dự án KCN Hải Long vẫn chậm và chưa đạt được kỳ vọng. Tỉnh đã đề nghị nhà đầu tư khi có mặt bằng sạch bắt tay ngay vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án.

KCN Hải Long được khởi công đầu năm 2023. (Ảnh: Báo Thái Bình).

KCN trọng điểm thứ 4 Thái Bình đang triển khai là KCN Thaco - Thái Bình. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào tháng 7/2019, nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Khu công nghiệp chuyên Nông nghiệp Thaco - Thái Bình, quy mô hơn 194 ha, thuộc các xã An Thái, An Ninh và An cầu, huyện Quỳnh Phụ. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.133 tỷ đồng. 

Tại buổi làm việc với địa phương hồi tháng 8, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải Trần Bá Dương cho biết Thaco đã tổ chức rà soát và đánh giá lại toàn bộ dự án; nguyên nhân dẫn đến bị chậm tiến độ là do một số yếu tố khách quan.

KCN Thaco - Thái Bình ngoài các nhà máy sản xuất còn có khu chức năng: nhà điều hành, khu đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, khu nông trường thực nghiệm, khu sản xuất vật tư phục vụ nông nghiệp, khu chế biến nông sản thực phẩm, khu cảng vận tải hàng hóa của KCN... Nhà đầu tư đã đề xuất một số nội dung và mong muốn tỉnh Thái Bình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; đồng thời cam kết quyết tâm hoàn thành đầu tư, đưa dự án chính thức hoạt động vào năm 2025.

Bên cạnh dự án của Trường Hải, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ cũng đang có một dự án công nghiệp khác sắp triển khai là KCN Dược - Sinh học rộng 345,9 ha, tổng mức đầu tư 3.650 tỷ đồng.

Đây là KCN Dược - Sinh học đầu tiên của Việt Nam, được đề xuất thực hiện bởi Liên danh các nhà đầu tư gồm Quỹ Makara Capital Partners Pte.,Ltd; Sakae Corporate Advisory Pte., Ltd và CTCP Newtechco Group. Dự án này đang xúc tiến để có thể khởi công vào quý I/2024.

Ngoài những dự án trọng điểm nói trên, thời gian tới Thái Bình sẽ đón thêm quỹ đất từ một số dự án cụm công nghiệp (CCN) mới, bao gồm: CCN Hồng Việt (70 ha) dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào quý IV, triển khai giai đoạn 2 trong 2024 - 2025; CCN Tân Thịnh (50 ha) dự kiến bắt đầu thi công vào đầu năm 2024; CCN Phong Châu (52,5 ha) dự kiến giai đoạn quý IV/2023 - quý I/2025.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.