CTCP Eco Lake Thái Bình vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án Phát triển nhà ở thương mại khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hoà, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Dự án này được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2019, đến ngày 24/7 vừa qua đã duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và ngày 14/8 ký hợp đồng thực hiện dự án.
Khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hoà có tổng diện tích khoảng 16,13 ha, thuộc địa phận phường Hoàng Diệu và xã Đông Hoà, TP Thái Bình. Phía đông dự án giáp khu đất của Công ty Đầu tư TMQT Minh Long; phía nam giáp lô đất NO19 và dịch vụ thương mại; phía tây và phía bắc giáp khu dân cư hiện có phường Hoàng Diệu.
Về hiện trạng, khu vực lập quy hoạch phần lớn là ruộng canh tác, có một phần nhỏ là hiện trạng nhà ở làng xóm. Cụ thể, đất lúa 2 vụ trở lên chiếm khoảng 13,4 ha; đất mặt nước hơn 1 ha; đất ở hiện trạng 1.025 m2; đất hoa màu 3.771 m2; còn lại là đất vườn cây và đất giao thông.
Khu đất quy hoạch có địa hình tương đối bằng phẳng, hướng dốc chủ yếu từ nam sang bắc. Hệ thống giao thông ở đây bao gồm đường Long Hưng rộng 27 m đã trải nhựa; đường giao thông liên thôn rộng 5 - 7 m; đường bờ ruộng rộng 3 - 5 m. Khu vực chưa có hệ thống cấp nước, nước mưa thoát theo địa hình tự nhiên.
Vị trí dự án cách sông Trà Lý khoảng 960 m về phía tây nam; cách trạm y tế phường Hoàng Diệu 370 m về phía đông; cách chợ đầu mối 662 m về phía đông bắc; cách nhà thờ khoảng 366 m về phía bắc.
Trong phạm vi ranh giới quy hoạch có khoảng 10 hộ dân, trong đó có khoảng 6 hộ nằm tập trung ở phía bắc khu đất. Trên khu đất có một số nhà ở cao 1 - 2 tầng và một số ngôi mộ nằm rải rác ngoài đồng.
Để thực hiện dự án, sẽ tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của khoảng 300 hộ dân. Các hộ có đất thu hồi chủ yếu làm nông nghiệp (25%), đi làm thuê (30%), làm nghề thủ công (2%), kinh doanh buôn bán nhỏ (18%) và làm công nhân cho các nhà máy khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (25%).
Về tính chất, khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hoà khi hoàn thành sẽ bổ sung quỹ đất nhà ở cho TP Thái Bình; góp phần tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cảnh quan cho khu vực đô thị phía đông nam tuyến tránh S1; làm cơ sở xác định giá trị đối ứng để thanh toán cho dự án đầu tư xây tuyến giao thông cảnh quan ven sông Trà Lý (đoạn từ cầu Thái Bình đến sông Vĩnh Trà).
Quy mô dân số của toàn dự án là 1.188 người. Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 5,2 ha xây dựng các công trình nhà ở; hơn 2,5 ha đất cây xanh, mặt nước; 8 ha đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật; 3.475 m2 xây công trình thương mại dịch vụ và 821 m2 đất công trình công cộng.
Về các hạng mục chính, toàn dự án sẽ xây dựng 297 căn nhà ở thấp tầng, bao gồm 241 căn nhà liền kề và 56 căn biệt thự.
Trong đó, khu ở liền kề được chia làm 7 khu (khoảng 2,3 ha), tổ chức hướng quay ra các trục đường quy hoạch và khu trung tâm cây xanh, hồ nước. Các công trình sẽ xây dựng theo mô hình nhà ở liền kề, tựa lưng vào nhau và hướng ra các trục đường, diện tích mỗi lô 90 - 150 m.
Khu biệt thự nhà vườn được chia làm 4 khu (hơn 1,7 ha), bố trí tại vị trí trung tâm khu vực quy hoạch gần hồ điều hòa và cây xanh trung tâm. Các công trình nhà ở kết hợp với các vườn cây tựa lưng vào nhau, mặt hướng ra các ô quy hoạch, diện tích mỗi lô khoảng 250 - 350 m2.
Lô đất nhà ở xã hội (gần 1 ha) được bố trí ở phía bắc khu đất, tiếp cận trực tiếp với tuyến đường N4, N6, D2 nhằm tạo điểm nhấn liên kết không gian đồng nhất.
Công trình thương mại dịch vụ được bố trí ở phía nam khu đất dự án, tiếp giáp với đường N1, N2, D2, D6, D7, dự kiến xây dựng công trình phục vụ cho các hoạt động kinh doanh thương mại, quảng bá sản phẩm.
Hệ thống giao thông bên trong dự án sẽ có khoảng 15 tuyến đường với mặt cắt ngang dao động 10,5 - 37m, tất cả đều thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực phía đông nam tuyến tránh S1.
Tổng mức đầu tư của Khu đô thị Hoàng Diệu - Đông Hoà là hơn 655 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 586 tỷ đồng và chi phí bồi thường tái định cư chiếm hơn 69 tỷ đồng. Dự kiến tiền sử dụng đất phải nộp là 314 tỷ đồng.
Ngày 5/10 vừa qua, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Thái Bình đã có văn bản gửi Phòng Tài nguyên Môi trường TP Thái Bình về việc tạm tính tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để thực hiện dự án. Theo đó, diện tích đất trồng lúa xin chuyển mục đích là 13,35 ha, đơn giá bảo vệ đất trồng lúa là 42.000 đồng/m2. Như vậy, tổng số tiền bảo vệ đất trồng lúa tạm tính là 2,8 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự kiến từ nay đến hết quý IV/2023 dự án sẽ hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư; từ quý I/2024 bắt đầu giai đoạn thực hiện xây dựng; đến quý IV/2028 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Về chủ đầu tư, Eco Lake Thái Bình là doanh nghiệp vừa được thành lập vào ngày 10/8 vừa qua, có trụ sở tại TP Thái Bình và vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Nguyễn Như Kiên.
Eco Lake Thái Bình là doanh nghiệp dự án được thành lập bởi liên danh 3 nhà đầu tư, bao gồm CTCP Lam Sơn Invest, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đông A và CTCP Licogi 13 (mã chứng khoán: LIG).
Đi sâu vào các nhà đầu tư trong liên danh, đầu tiên là Lam Sơn Invest, doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Đầu tư xây dựng Lam Sơn Thái Bình được thành lập từ năm 2015 và có trụ sở tại TP Thái Bình, chuyên hoạt động trong mảng thi công xây dựng; đầu tư dự án bất động sản; kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Tính đến tháng 1/2021, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 26 tỷ đồng.
Lam Sơn Invest sở hữu nhiều dự án bất động sản ở Thái Bình. Có thể kể đến là Khách sạn White Palace Lam Sơn Thái Bình (cao 10 tầng, hơn 66 tỷ đồng); khách sạn White Palace Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ, 46 tỷ đồng); Khu đô thị Era Central City Thái Bình (22,75 ha, 1.015 tỷ đồng); Khu dân cư và đô thị phía Tây Quốc lộ 10 (huyện Đông Hưng, 37,6 ha, 309 tỷ đồng); Cụm công nghiệp Đông La (huyện Đông Hưng, 63,5 ha, 150 tỷ đồng); dự án nhà ở thương mại Lam Sơn Lý Bôn (cạnh bến xe Thái Bình).
Bên cạnh đó, Lam Sơn Invest cũng tham gia thi công một số công trình hạ tầng trên địa bàn Thái Bình như cải tạo đường ĐH.48; cải tạo ĐT.452...
Lam Sơn Invest còn được biết đến là thành viên của CTCP Lam Sơn Thái Bình - một tổng công ty đa ngành hoạt động từ năm 1996, chuyên hoạt động mảng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chế biến lương thực, vận tải, xây dựng và bất động sản.
Cái tên thứ hai trong liên danh là Công ty Đông A. Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong mảng Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội và thành lập từ năm 2008. Ông Trần Văn Trà đang là người đứng tên tại Đông A.
Ông Trần Văn Trà được biết đến là Phó Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Hương Sen (Hương Sen Group), đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thái Bình, theo Báo Thái Bình. Vị này cũng từng tham gia ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình.
Nói thêm về Hương Sen Group, doanh nghiệp này tiền thân là Tổ hợp Dệt nhuộm cao cấp Tân Phương hoạt động từ năm 1981, đến năm 1998 đổi tên thành Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Sen, từ năm 2009 đến nay hoạt động theo mô hình tập đoàn, chuyên về lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, bất động sản, dệt may, bao bì, kinh doanh nhà hàng khách sạn và đầu tư các khu công nghiệp.
Thông tin từ Hương Sen Group, Công ty Đông A là một công ty con trực thuộc tập đoàn này, đang phát triển nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và Thái Bình.
Nhà đầu tư cuối cùng trong liên danh là Licogi 13, đây là cái tên không xa lạ trên thị trường bất động sản. Licogi 13 tiền thân là Xí nghiệp thi công cơ giới số 13 thành lập từ năm 1960, được cổ phần hoá từ năm 2005 và niêm yết từ năm 2010.
Bất động sản là một trong 3 mảng hoạt động chính của Licogi 13, trung bình mang về doanh thu khoảng 600 tỷ/năm cho doanh nghiệp này. Tệp dự án bất động sản của Licogi 13 trải dài khắp cả nước, gồm Hưng Yên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, An Giang, Cần Thơ, Phú Quốc, Lâm Đồng...
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024