Đại dịch giúp 4 gã khổng lồ công nghệ càng giàu hơn

Bất chấp đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, các công ty công nghệ vẫn được đánh giá là thiên đường cho các nhà đầu tư với kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm.

4 công ty công nghệ hàng đầu thế giới là Apple, Facebook, Google và Amazon gần đây đã công bố kết quả kinh doanh quí II/2020 tốt hơn dự báo. Mỗi doanh nghiệp thu lời hàng tỉ USD.

Đại dịch giúp 4 gã khổng lồ công nghệ càng giàu hơn - Ảnh 1.

Bốn công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Ngày 29/7, trong phiên điều trần trực tuyến kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ trước Quốc hội Mỹ về các vấn đề độc quyền, CEO của 4 ông lớn công nghệ gồm Amazon (AMZN), Apple (AAPL), Facebook (FB) và Google đã thể hiện quan điểm rằng, họ không có sức mạnh quá ghê gớm như mọi người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, cuối tuần trước, kết quả kinh doanh của 4 gã khổng lồ công nghệ này lập tức khẳng định điều ngược lại.

Facebook hôm thứ Năm (30/7) thông báo họ đã thu hút hơn 3 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. Con số này được tính đến hết quí II, gộp cả người dùng của Instagram và WhatsApp. Công ty nói rằng kết quả này phản ánh "nhu cầu kết nối gia tăng khi mọi người trên khắp thế giới thời gian này dành nhiều thời gian ở nhà hơn".

Trong khi đó, Amazon, hãng khổng lồ bán lẻ trực tuyến Mỹ báo cáo doanh thu sau thuế quí vừa qua đạt 88,9 tỉ USD, tăng 40% so với cùng năm trước và vượt 8 tỉ USD so với dự đoán của Wall Street trước đó do nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng mạnh.

Apple, mặc dù những năm gần đây chứng kiến doanh thu chững lại, thậm chí suy giảm ở một số thị trường, vẫn có kết quả kinh doanh tích cực khi tăng 11% doanh số bán hàng trong quí vừa qua. Sự tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ mảng phần cứng và các dịch vụ kĩ thuật số khác nhau. CEO Tim Cook của Apple gọi kết quả này là "minh chứng cho vai trò quan trọng của sản phẩm Apple trong cuộc sống của khách hàng, dù trong khoảng thời gian khó khăn".

Đáng chú ý, công ty mẹ của Google, Alphabe, lại là trường hợp ngoại lệ khi lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động có doanh thu giảm hai năm liên tiếp. Nguyên nhân được cho là do mảng kinh doanh quảng cáo (mảng cốt lõi của công ty) bị tổn thất nghiêm trọng vì đại dịch và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty vẫn tăng gần 1% sau phiên giao dịch.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của nhóm ngành công nghệ được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế u ám của Mỹ. Số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy, GDP quí II của Mỹ giảm 32.9% - mức giảm lớn nhất trong lịch sử của nền kinh tế nước này.

Kết quả kinh doanh của các ông lớn công nghệ có thể làm hài lòng các nhà đầu tư, nhưng lại khiến các công ty này lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức trách Mỹ vào thời điểm nhạy cảm này.

Tiểu ban chống độc quyền - Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ - hôm thứ Tư (29/7) đã chất vấn 4 CEO của Amazon, Facebook, Apple và Google liên quan đến chiến thuật cạnh tranh của họ trong những năm qua.

Các câu hỏi của các nhà lập pháp đề cập tới mọi thứ, từ chiến lược của Facebook sau vụ mua lại các đối thủ nhỏ hơn như Instagram - hiện có hơn 1 tỉ người dùng hàng tháng, cho tới việc liệu Amazon có sử dụng dữ liệu của người bán trên nền tảng để làm lợi cho mình hay không.

Theo một số chuyên gia phân tích chính sách, phần trả lời của bốn vị CEO sẽ là cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung luật chống độc quyền hiện hành hoặc thậm chí tách nhỏ các công ty này trong tương lai.

Có lẽ nhận ra rằng trong bối cảnh đại dịch, các công ty công nghệ vẫn có thể lớn mạnh hơn, các CEO này đã cố gắng nhấn mạnh vào đóng góp của doanh nghiệp mình với đất nước.

Trong báo cáo tài chính của mình, CEO Bezos của Amazon đề cập tới việc công ty đã tạo ra việc làm cho hơn 175.000 lao động kể từ tháng 3 và bơm hàng tỉ USD vào nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư vốn khác nhau.

Trong một cuộc hội thoại với các nhà phân tích, CEO Tim Cook nhấn mạnh Apple tập trung vào việc mở rộng ảnh hưởng. "Công ty luôn đảm bảo thành công của chúng tôi cũng là thành công của bạn và mọi thứ chúng tôi tạo ra đều hướng tới mục tiêu mang lại cơ hội cho người khác", Tim Cook nói.

Ông cũng không quên đề cập đến vai trò của App Store, vốn là chủ đề được nhiều nhà làm luật chất vấn trong phiên điều trần.

Ông chia sẻ: "Trong giai đoạn Covid-19, bạn có thể biết được khả năng chống chịu của nền kinh tế và các cách thức mà App Store hỗ trợ đặt hàng từ xa cho các nhà hàng. Chúng tôi thậm chí còn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ triển khai dịch vụ thương mại điện tử và tạo cơ hội cho các nhà sáng tạo nội dung".

Nhưng Tim Cook cũng rất lấy làm tiếc dù kết quả kinh doanh của Apple thành công trong khi ngoài kia còn rất nhiều doanh nghiệp đang phải đấu tranh từng ngày.

Cũng trong cuộc hội thoại với các nhà phân tích hôm 30/7, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã gọi ngành công nghệ nước này là "câu chuyện thành công của Mỹ".

Ông nói: "Những sản phẩm chúng tôi tạo ra đã thay đổi thế giới tốt hơn, cải thiện cuộc sống cho mọi người".

"Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi người đã sử dụng các dịch vụ của chúng tôi để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, những người mà họ không thể ở cùng. Cũng nhờ các sản phẩm của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp có thể làm việc trực tuyến", Zuckerberg nói. "Đối với mọi người trên khắp thế giới, trong giai đoạn khó khăn này, bằng nhiều cách khác nhau, các dịch vụ của chúng tôi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...