Đại gia đầu tư 600 tỉ đồng vào Cocobay: 'Tôi bị sốc nặng'

Thông qua Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức đầu tư gần 600 tỉ đồng vào Cocobay Đà Nẵng, nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt nhận mình là nhà đầu tư lớn nhất rót tiền vào dự án này.

Tiến sĩ Mai Huy Tân đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Nhịp cầu Việt Đức. Trao đổi với Zing.vn, ông cho biết mình bị sốc nặng khi Thành Đô tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận cam kết từ năm 2020 với các căn hộ condotel trong dự án Cocobay.

Sở hữu 42 bất động sản Cocobay của Thành Đô

- Được biết ông đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án Cocobay Đà Nẵng, đến nay, tổng số tiền ông đã rót vào dự án này là bao nhiêu?

- Tôi đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng thông qua Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức với số tiền gần 600 tỉ đồng. Hiện tại, Nhịp cầu Việt Đức là nhà đầu tư thứ cấp lớn nhất, sở hữu 42 bất động sản tại dự án này.

Trong đó có 8 biệt thự Nam An Retreat, 24 tòa khách sạn Boutique Hotel 7 tầng, và 10 căn hộ condotel.

Tổng giá mua cả 10 căn hộ tương đương 1 biệt thự Nam An hoặc 1 Boutique Hotel, riêng giá trị của mỗi khu biệt thự Nam An và Boutique Hotel dao động từ 12-20 tỉ đồng/căn.

Đại gia đầu tư 600 tỉ đồng vào Cocobay: 'Tôi bị sốc nặng' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Mai Huy Tân. (Ảnh: Nguyễn Hương).

- Vì sao ông lại chấp nhận đầu tư hàng trăm tỉ vào dự án này?

- Khi đầu tư, tôi có niềm tin vào Công ty Thành Đô và ngân hàng bảo lãnh cho dự án là SHB. Tôi thậm chí đã nghiên cứu cả bộ máy quản trị điều hành của chủ đầu tư này với những người trẻ rất chất lượng.

Thành Đô đã sử dụng nguồn vốn huy động 4.000 tỷ đồng từ khách hàng không hợp lí. TS Mai Huy Tân

Tôi cũng tin rằng Đà Nẵng là thành phố có tiềm năng phát triển du lịch lớn nhất, trong khi đó dự án Cocobay có vị trí rất đắc địa.

- Theo cam kết ban đầu, chủ đầu tư hứa chi trả lợi nhuận với các bất động sản ông sở hữu thế nào. Đến nay, ông đã nhận được bao nhiêu lợi nhuận cam kết từ chủ đầu tư?


- Thông qua 42 biệt thự, nhà ở liền kề và căn hộ, Thành Đô và Nhịp cầu Việt Đức đã kí 42 hợp đồng hợp tác cho thuê. Trong đó, tôi đã trả đầy đủ 100% tiền mua 42 bất động sản này.

Theo cam kết, Thành Đô nhận trách nhiệm chi trả thu nhập cam kết 10% giá trị biệt thự trước thuế VAT với khối biệt thự; 12,5% với khối nhà ở liền kề Boutique Hotel và 12% với khối condotel.

Đến nay, họ đã trả thu nhập cam kết trong hai năm 2017 và 2018, mỗi năm 67,7 tỉ đồng và chia làm 2 lần, cuối tháng 6 và cuối tháng 12.

Riêng năm 2019, Thành Đô mới trả tạm ứng một phần của đợt 1 là 14,5 tỉ đồng vào tháng 10, và nợ lại 19 tỉ đồng. Số này cũng chưa bao gồm lãi quá hạn mà Thành Đô cam kết chịu trách nhiệm thanh toán.

Đến giờ, tôi cũng chưa biết Thành Đô có trả đúng hạn thu nhập cam kết kì 2 năm nay là 34 tỉ đồng vào tháng 12 tới hay không.

- Để đầu tư gần 600 tỷ đồng vào Cocobay Đà Nẵng, ông có phải đi vay?

- Thông qua Nhịp cầu Việt Đức, tôi đang vay ngân hàng SHB hơn 402 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 18 tháng đầu là 8,1%/năm. Hiện tại, lãi suất tôi phải chịu là 10,4%/năm.

- Ông có nói số tiền lợi nhuận nhận từ Thành Đô đều dùng để trả lãi và gốc vay ngân hàng SHB?

- Đúng vậy, với số tiền thu nhập cam kết được trả nói trên. Nhịp cầu Việt Đức đã trả tiền vay tín dụng khoảng 147 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 73,3 tỉ đồng, còn lại là trả lãi.

SHB là ngân hàng bảo lãnh dự án Cocobay vừa cho Thành Đô vay tiền, vừa cho chủ sở hữu mua nhà vay vào khoảng 2.500-2.800 tỉ đồng và chịu trách nhiệm quản lí dòng tiền đầu tư đúng mục đích.

Thành Đô huy động được hơn 4.000 tỷ từ khách mua nhà

- Là nhà đầu tư lớn chắc ông sẽ nắm được tình hình kinh doanh của các khối nhà trong dự án Cocobay?

- Tôi có nắm được một phần. Khối biệt thự Nam An được khai thác kinh doanh rất tốt, tỉ lệ lấp đầy rất cao, Thành Đô có lợi nhuận tốt sau khi đã chi trả thu nhập cam kết.

Tòa nhà 50 tầng quảng cáo cùng Ronaldo hoàn toàn bị xóa sổ, lãng phí hàng trăm tỉ đồng. TS Mai Huy Tân

Với khối nhà liền kề Boutique đi vào khai thác từ giữa năm 2017, tỉ lệ khai thác năm sau cao hơn năm trước, rút ngắn được lỗ và có triển vọng khả quan trong tương lai.

Riêng đối với khối condotel thì kinh doanh không đạt hiệu quả vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do đầu tư dàn trải, lãng phí hàng trăm tỉ nên lỗ lũy kế trên 100 tỉ đồng.

- Ông có thể làm rõ hơn về sự lãng phí này?

- Tổng vốn đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng lên tới 11.000 tỉ đồng, trong đó, ngoài vốn chủ sở hữu Thành Đô đã đi vay ngân hàng khoảng 2.200 tỉ đồng, và vốn huy động từ hàng nghìn khách hàng khoảng 4.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Thành Đô đã sử dụng nguồn vốn huy động này không hợp lí.

Với khối biệt thự và Boutique hotel không có vấn đề gì. Nhưng riêng condotel được Thành Đô xây dựng rất dàn trải với các tòa nhà cao từ 27 đến 32 tầng.

Đặc biệt là tòa Twin Tower 50 tầng được xây tầng hầm và móng kiên cố và được quảng cáo rầm rộ một thời gian dài gắn với cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo. Riêng tòa nhà này đã tốn hàng trăm tỉ đồng làm móng nhưng lại không xây nữa, mà thay vào đó là quy hoạch mới cho biệt thự thấp tầng.

Việc xây các tòa cao ốc condotel với mục tiêu 12.000 phòng đã dẫn tới một thảm họa về dòng tiền.

Hiện nay chỉ có một tòa được khai thác, một tòa đang hoàn thiện, còn lại đều ở tình trạng xây thô, cầm chừng. Riêng tòa nhà quảng cáo cùng Ronaldo thì hoàn toàn bị xóa sổ, lãng phí hàng trăm tỉ đồng.

Thành Đô nên học bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai

- Cũng là một doanh nhân, ông đánh giá thế nào về hướng giải quyết của Thành Đô với các khách hàng?

- Hiện nay, Thành Đô đổ lỗi khó khăn về dòng tiền do cơ sở pháp lí về hình thức condotel để đơn phương tuyên bố chấm dứt trả lợi nhuận cho toàn bộ dự án là rất vô lí.

Cách làm như vậy sẽ gây rất nhiều thiệt hại và nguy cơ phá sản đối với các chủ sở hữu đã tạo cho Thành Đô nguồn vốn 4.000 tỉ đồng, và đẩy các chủ sở hữu trở thành con nợ của ngân hàng.

Điều này cũng vi phạm hợp đồng đã kí kết và thiếu đạo đức kinh doanh. Trong khi đó Thành Đô còn nhiều tài sản để có thể giải quyết được khó khăn tài chính, cải thiện dòng tiền cho toàn bộ dự án.

- Ông có thể nói rõ hơn về các tài sản này?

- Hiện tại, Thành Đô có 15 ha đất mặt biển thuộc khu Nam An Retreat nhưng chưa xây dựng, vẫn là đất trống. Giá thị trường ở vị trí này khoảng 20 triệu đồng/m2, tức là mảnh đất này có giá khoảng 3.000 tỉ đồng.

Nếu có thiện chí, số tiền này đủ giúp họ xử lí khoản nợ hơn 2.000 tỉ vay của ngân hàng. Như vậy, công ty sẽ giải quyết được gánh nặng tín dụng 500 tỉ/năm phải trả cho SHB. Trong khi đó, thu nhập cam kết mà Thành Đô trả cho hàng nghìn chủ sở hữu mới khoảng 400 tỉ đồng/năm.

Thành Đô còn nhiều tài sản khác có thể bán và khai thác tốt, vấn đề là họ có thiện chí để xử lí nợ hay không. TS Mai Huy Tân

Thành Đô cũng còn nhiều tài sản khác có thể bán và khai thác tốt. Vấn đề là Thành Đô có thiện chí để xử lí nợ hay không.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng từng có những khoản nợ nhiều nghìn tỉ đồng. Ông Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (bầu Đức - PV) đã xử lí có đạo đức kinh doanh là bán rất nhiều khối bất động sản và chuyển nhượng cổ phần cho tập đoàn THACO.

Nhờ đó, HAGL vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển với cổ đông mới. Thành Đô nên học tập cách thức xứ lí đúng đạo lí như vậy.

- Ông đánh giá thế nào về 3 phương án giải quyết của chủ đầu tư với khách mua căn hộ condotel trong dự án? Một số khách hàng nhỏ có ý định khởi kiện Thành Đô, còn cá nhân ông thì sao?

- Các phương án Thành Đô đưa ra đều rất vô lí. Đa số khách hàng không chấp nhận. Cá nhân tôi và Nhịp cầu Việt Đức chưa có ý định khởi kiện Thành Đô, còn hàng nghìn chủ đầu tư khác có quyền của họ.

Tôi chỉ mong muốn Thành Đô phục thiện và ngồi lại đàm phán với hàng nghìn chủ sở hữu đã trả cho Thành Đô 4.000 tỉ đồng xây dựng Cocobay. Một phương án có sự đồng thuận của các bên, kể cả ngân hàng SHB là một bên kí cam kết 3 bên với các chủ sở hữu và Thành Đô.

- Trong thông báo gửi tới khách hàng, Thành Đô mới nói tới việc dừng chi trả lợi nhuận với khối condotel, vậy còn khối biệt thự và nhà liền kề, họ có thông báo về việc dừng hay tiếp tục chi trả lợi nhuận hay không?

- Đúng là Thành Đô mượn cớ khó khăn của khối condotel để tuyên bố ngừng chi trả thu nhập cam kết 12%. Trong thông báo không nói rõ đến khối biệt thự Nam An và khối Boutique Hotel, nhưng có khả năng Thành Đô cũng không chi trả đối với 2 khối này, dù 2 khối này không gặp khó khăn như condotel.

- Ông có chia sẻ trong giai đoạn đầu chính ông Nguyễn Đức Thành (Chủ tịch Thành Đô) và ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch SHB) đến thuyết phục đầu tư vào dự án. Đến nay, ông đã trao đổi với hai vị này chưa?

- Trước khi quyết định đầu tư vào dự án Cocobay với vốn chủ sở hữu của công ty và vốn vay ngân hàng SHB, chính tôi đã có cuộc gặp riêng đặc biệt với ông Thành và ông Hiển tại văn phòng của ông Hiển.

Ngày 20/11 vừa qua, tôi đã gặp ông Thành tại văn phòng Thành Đô sau 3 lần chậm trễ của ông ấy. Còn ông Hiển thì tôi chưa thể gặp được.

Tôi nghĩ ông Hiển nên vào cuộc để tìm tiếng nói chung, thể hiện đúng tinh thần người đứng đầu một ngân hàng đã bảo lãnh độc quyền dự án Cocobay, vừa cho Thành Đô vay, vừa cho chủ sở hữu vay.