Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những vị tướng tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.
Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. (Ảnh: Ngọc Thắng).

Ngày 30/4 hằng năm là dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất; dịp để ôn lại những sự kiện lịch sử và những nhân vật đã góp phần quan trọng trong những chiến thắng...

Một trong số ít vị tướng đã trải qua các cuộc chiến tranh

Giữa tháng 4/1974, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch ngày ấy gồm 8 người, trong đó có đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lúc đó là trung tướng, phó tư lệnh.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (tư lệnh chiến dịch); chính ủy Phạm Hùng; các phó tư lệnh là thượng tướng Trần Văn Trà, trung tướng Lê Trọng Tấn, trung tướng Đinh Đức Thiện; phó chính ủy là trung tướng Lê Quang Hòa và quyền tham mưu trưởng là thiếu tướng Lê Ngọc Hiền.

Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (phải) và đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Tư liệu).

Lực lượng trực tiếp tham gia chiến dịch của ta gồm 5 quân đoàn (trên dưới 15 sư đoàn): Các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 có đủ các binh chủng hợp thành, cùng các lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, lực lượng nổi dậy của quần chúng ở nông thôn, thành thị.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn được giao đảm trách chỉ huy và lãnh đạo cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Thời điểm đó, Bộ Chỉ huy miền (B2) nhận định hướng Tây - Tây Nam là nơi khó nhất vì sình lầy, nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Đô (Cần Thơ).

Trong tình huống nếu địch co cụm được về đó thì phức tạp, và “trận đánh cuối cùng” của ta sẽ không “thuận buồm xuôi gió”. Ngược lại, nếu ta chia cắt được lộ 4 thì Quân đoàn 4 và quân địch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn.

Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh từ năm 1945 - 1989, có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng. (Ảnh: Tư liệu).

Trong hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn.

Vào đảng từ năm 18 tuổi, đến nay ông đã 80 năm tuổi đảng. Ông thực sự là một tướng trận, một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh từ năm 1945 - 1989; có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng: tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), chiến tranh biên giới phía bắc (1986 - 1989).

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh còn trực tiếp tham gia những trận đánh mang tính bước ngoặt của chiến tranh: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch giải phóng Campuchia; chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc.

Nhiều lần vượt qua lằn ranh sinh tử

Trong cuốn hồi ký Tổ quốc trên hết, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng chia sẻ rằng biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trực tiếp tham gia chiến đấu.

Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, ông vẫn từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ!”.

Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 4.

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong một lần ra thăm Trường Sa. (Ảnh: Tư liệu).

Đại tướng, nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh đã nhiều lần vượt qua hiểm nghèo của lằn ranh sinh tử. Lần thứ nhất ông đã thoát chết là ngay trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, vào ngày 28/4/1975.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, suốt ngày đêm ông trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông ở sở chỉ huy của cánh quân hướng Tây - Tây Nam ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc H.Đức Hòa (Long An).

Buổi sáng hôm đó vô ăn cơm, chỗ ăn là cái nhà họp của địa phương làm nửa chìm nửa nổi. Trong hồi ký của mình, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể: “Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!” Tôi nghe anh. Vừa ngả lưng thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe hy sinh, cậu Nguyễn Hồng Thái, chiến sĩ bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong tôi ra liền thì nhất định “cái chuyện thường” đã xảy ra với tôi... Chiến tranh nó có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang “tính quy luật” ra mà giải thích!”.

Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Tại Sở chỉ huy ở nước bạn Campuchia, tướng Lê Đức Anh (hàng đầu, phía trái) nghe cơ quan tác chiến, các chuyên gia báo cáo tình hình. (Ảnh: Tư liệu).

Lần thứ hai vào năm 1996 khi đang là Chủ tịch nước, ông bị tai biến rất nặng. Thế nhưng bằng sức mạnh phi thường của bản thân, ông đã vượt qua cơn bạo bệnh một cách thần kỳ và trở lại làm việc bình thường trên cương vị Chủ tịch nước.

Đầu năm 2018 sức khỏe của ông cũng suy giảm nghiêm trọng và một lần nữa ông đã vượt qua cơn nguy kịch một cách thần kỳ.

Nhiều người phải thốt lên thán phục: “Ông đúng là tướng đánh trận, chỉ có tướng trận mới có sức sống kỳ diệu, sức đề kháng phi thường như thế”.

Trong cuốn hồi ký Tổ quốc trên hết, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cho rằng từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đến nay đã hơn 40 năm, thời gian trôi qua cho phép chúng ta có điều kiện nhìn lại mọi sự vật, hiện tượng đã diễn ra ngày càng rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn.

Với tầm vóc nhân nghĩa, không quên vai trò to lớn của nhân dân, ông khẳng định, nếu nói tới Chiến thắng 30.4.1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các "quả đấm chủ lực" thì không đầy đủ, rất phiến diện và không công bằng. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy", trong đó "quả đấm chủ lực" với những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hay, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định, chọc thủng và làm vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, khiến quân địch nhanh chóng lâm vào thế bị động, lúng túng rồi vỡ trận về quân sự, hoảng loạn về tinh thần.

Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời và thật sự tạo nên đại thắng, thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch, có cả cơ sở của cách mạng nằm trong hàng ngũ địch…

Đối với dân tộc ta, đây là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến, cứu nước, giải phóng miền Nam...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.