Đằng sau những cuộc hôn nhân cận huyết thống của người Chứt
Đến tận 1992, các nhà khoa học mới chính thức xác định được nơi ở của dân tộc Chứt và từ đó đến nay tình ... |
Chuyện tình vượt đỉnh Giăng Màn
Đằng sau những cuộc hôn nhân cận huyết thống, đã đẩy người Chứt vào con đường bóng tối. Tưởng chừng thứ tình yêu thương đó chỉ quanh đi quẩn lại từ ngõ nhà này đến gác bếp nhà bên. Nhưng giờ đây, nhờ sự tuyên truyền của chính quyền và Bộ đội Biên phòng Bản Giàng đã có nhiều cuộc hôn nhân ngoài bản diễn ra, tạo nên tia hi vọng giải thoát cho đồng bào Chứt.
Cách đây, hai năm về trước đám cưới giữa anh Lê Xuân Công (SN 1992) người dân tộc Kinh và chị Hồ Thị Mai (SN 1996) người dân tộc Chứt đã diễn ra. Đây là một đám cưới được xem là dấu mốc lịch sử trọng đại và cũng là tia sáng hi vọng đưa người Chứt bước ra vòng quẩn quanh của hôn nhân.
Sau hơn 25 năm định cư về chỗ ở mới, lần đầu tiên Chứt được đón nhận một chàng rể là người dân tộc Kinh. Hơn ai hết, chính họ đã hiểu và cảm nhận được phần nào niềm hạnh phúc, niềm vui khi có cuộc hôn nhân hợp tình, đúng theo đạo lý đã được diễn ra.
Bản Rào tre, nơi có 41 hộ dân tộc Chứt sinh sống. |
Công là một anh chàng sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông tại xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Bố mất khi hồi anh còn bé, nên hai mẹ con anh phải nương tựa, dựa dẫm vào nhau để vươn lên trong cuộc sống.
Khi hỏi về chuyện tình đầy sóng gió, trắc trở của mình anh kể, vào bốn năm trước, khi ấy anh là một chàng lính nghĩa vụ đầy nhiệt huyết, có nhiều lý tưởng, còn Mai là một nữ sinh đang học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.
Trong một đêm giao lưu văn nghệ ở trung tâm xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) anh đã gặp nàng, một cô gái có mái tóc đen dài, với nụ cười tỏa nắng. Bởi có nét duyên ngầm, lại là cô gái xinh nhất bản nên Mai đã lọt vào mắt của anh ngay lần đầu gặp mặt.
Vào năm 2015, một đám cưới tựa như cổ tích đã diễn ra tại bản Rào Tre, được xem là đám cưới lịch sử, mở ra tia sáng hi vọng cho đồng bào Chứt. (Ảnh BĐBP cung cấp) |
Sau lần gặp đầu tiên, anh trở về đơn vị, còn Mai tiếp tục theo học tại trường. Trong những ngày tháng tham gia nghĩa vụ, để có thể giữ mối quan hệ, anh với nàng thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại.
Khoác trên mình màu áo Cụ Hồ, trở về với quê hương khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Cũng trong dịp về quê lần này, anh đã bày tỏ lòng mình với nàng nhưng lại bị nàng từ chối.
Anh Công tâm sự: “Khó khăn lắm tôi mới thổ lộ lòng mình với Mai, nhưng ban đầu em không đồng ý. Buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, nên tôi lại khăn gói quần áo sang Lào làm việc cho một xưởng cơ khí”.
Sau khi biết Mai từ chối tình cảm của mình vì mặc cảm là người dân tộc thiểu số, nên anh đã tìm kiếm mọi cách liên lạc lại với Mai để thuyết phục, ngỏ ý với nàng.
“Từ một người bạn kể tôi mới biết Mai không đón nhận tình cảm của tôi vì mặc cảm mình là người dân tộc. Mãi sau một thời gian quan tâm, thuyết phục cũng như phân tách lý lẽ Mai mới chịu đón nhận tình cảm của tôi”, anh Công kể lại.
Cuộc hôn nhân lịch sử
Tưởng chừng những khó khăn chông gai trong tình yêu đã qua. Nhưng không phải, đó chỉ mới là mở đầu cho một cuộc tình đầy ngang trái của đôi vợ chồng trẻ.
Khi gia đình biết chuyện, anh đã đem lòng yêu một cô gái người dân tộc Chứt, gia đình, họ hàng đã cấm đoán đấu tranh không cho hai người yêu nhau. “Ban đầu mẹ biết đã cấm không cho tôi yêu Mai nữa. Vì nghĩ lấy con gái trong bản này sẽ khó khăn nhiều thứ, với lại tôi là con trai một trong nhà, mẹ cấm đoán cũng có lý của mẹ”, anh Công tâm sự.
Nhưng sau hơn hai tháng được sự thuyết phục, động viên của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng cắm bản nên đã được sự chấp thuận từ gia đình.
“Hơn hai tháng sau mẹ đã đồng ý, và tôi cũng hứa với mẹ sẽ chăm chỉ làm ăn và đón mẹ vào bản sống cùng hai vợ chồng để tiện chăm sóc”, anh Công nói.
Nhờ sự cần cù siêng năng của một chàng lính, sau hai năm nên duyên vợ chồng, Công và Mai giờ đã dần ổn định cuộc sống. Niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn khi nhìn đứa con đầu lòng là cháu Hồ Lê Trung Hiếu (SN 2015) lớn lên ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Đôi vợ chồng hạnh phúc hơn khi nhìn đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh. |
Để có thể phụ giúp đôi vợ chồng trẻ, nhà nước đã tạo điều kiện xây dựng nhà ở và hỗ trợ một số tiền để hai vợ chồng lấy vốn làm ăn. Với ý chí vượt lên, hiện nay hai vợ chồng đã có của ăn, của để và dự định sẽ phát triển mô hình kinh tế lớn hơn.
Ngăn cấm cũng vì thương con, giờ đây vì tình yêu, người mẹ ấy đã bỏ quê lên tận bản để có thể chăm sóc, giúp đỡ cậu con trai phát triển kinh tế, cũng như với tâm ước giúp đỡ bà con dân tộc Chứt phát triển chăn nuôi.
“Ở dưới xuôi một mình buồn, với lại lên đây tôi muốn phụ giúp hai con làm ăn phát triển, và phần nữa vì muốn giúp bà con nơi đây canh tác trồng trọt và chăn nuôi. Mặc dù còn gặp khó khăn về giao tiếp, nhưng tôi nghĩ dần dần sẽ quen”, bà Lê Thị Thành (mẹ anh Công) tâm sự.
Ngôi nhà sàn của hai vợ chồng được nhà nước hỗ trợ xây dựng. |
Ông Nguyễn Quốc Phú, Tổ trưởng tổ cắm bản Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết, để hướng tới việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân, BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động giao lưu giữa thanh niên hai dân tộc Chứt và Mã Liềng (thuộc bản Cà Xèng, huyện Tuyên Hóa Quảng Bình), để tiếp tục thêu dệt nên những mối tình mới. Năm 2015, là năm có được nhiều niềm vui nhất khi có 5 đám cưới diễn ra đều lấy người ngoài bản.
“Đám cưới giữa cặp đôi Công và Mai được xem là đám cưới lịch sử, bởi Công là chàng trai người Kinh lần đầu tiên làm rể đồng bào Chứt. Những đứa con của các cặp đôi lấy ngoài bản đều lớn lên khỏe mạnh và lanh lợi”, ông Phú nói