Dân bán hàng xách tay tìm đủ cách xoay xở khi qui định mới có hiệu lực

Nhiều dân buôn đã lách luật mới bằng nhiều chiêu thức như chỉ bán hàng qua kênh online với số lượng nhỏ lẻ, viết chệch tên thương hiệu, Việt hóa tên sản phẩm,...

Ngày 15/10, Nghị định 98 liên quan đến hàng xách tay chính thức có hiệu lực. Người kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng.

Ngay đêm 14/10, iPhone 12 chính thức ra mắt. Trong khi các đại lí phân phối chính thức của Apple có phần "im hơi lặng tiếng" thì các cửa hàng bán lẻ, cá nhân trên mạng xã hội hoạt động khá sôi nổi, họ trực tiếp nhận mua, cho phép khách đặt cọc để sở hữu chiếc smartphone đời mới nhất này, với mức cọc dao động từ 500.000 đồng đến cả chục triệu đồng.

Một người bán hàng xách tay iPhone cho biết, việc vận chuyển đã khó khăn hơn và mất thời gian hơn trước do dịch Covid-19, và do qui định mới, nên việc tăng giá cọc là đương nhiên. 

Dân kinh doanh hàng xách tay tìm đủ cách xoay xở khi qui định mới có hiệu lực - Ảnh 1.

Trên các hội nhóm ở Facebook, nhiều người nhận đặt hàng xách tay iPhone 12. (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó vài hôm, nhiều người bán hàng xách tay trên mạng xã hội tranh thủ thanh lí, giảm giá, khuyến mãi để xả hàng. Thậm chí có nơi giảm giá một số mặt hàng lên đến 60%-70%.

Để đối phó với qui định mới, các dân buôn kháo nhau chuyển sang bán online, hạn chế khách đến mua trực tiếp, trữ hàng và bán hàng tại nhà với số lượng nhỏ lẻ; bởi những lô hàng sỉ với số lượng lớn dễ nằm trong "tầm ngắm" của lực lượng quản lí thị trường.

Người bán cũng sẽ kiểm tra thông tin về khách hàng kĩ hơn, vì lo lắng là cơ quan chức năng giả làm người mua hàng. Một cá nhân cho biết "kinh nghiệm" bán hàng xách tay online đó là không rao bán công khai, không đăng giá cả các sản phẩm lên, khi nào khách hàng hỏi mới thông tin riêng.

Dân kinh doanh hàng xách tay tìm đủ cách xoay xở khi qui định mới có hiệu lực - Ảnh 2.

Dân bán hàng xách tay tìm cách xoay xở khi qui định mới có hiệu lực. (Ảnh chụp màn hình).

Trên nhiều hội nhóm ở mạng xã hội, nhiều người bán hàng xách tay chia sẻ chiêu thức viết chệch tên thương hiệu (thêm các dấu vào tên thương hiệu và Việt hóa tên sản phẩm cho khác đi). Chẳng hạn Lacoste thành "Lascot_e", Meiji thành "Mei_ji", Dior thành "Dí ò", Gucci là "Gu chì"... đồng thời làm mờ, lấy nhãn dán che logo hàng chính hãng nhằm thoát khỏi sự truy quét của an ninh mạng và lực lượng chức năng.

Nhiều cá nhân tỏ ra lo lắng trước qui định mới này, bởi nếu không cẩn trọng tìm hiểu và hiểu đúng luật, hành động bán hàng xách tay dễ dàng trở thành hành vi vi phạm, với mức phạt cao, thậm chí có khả năng bị xử lí hình sự nếu kết tội nhập lậu.

Theo Nghị định 98/2020, hàng hóa xách tay (từ nước ngoài về Việt Nam) nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì bị coi là hàng hóa nhập lậu: 

Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng nhập khẩu; không có giấy phép nhập khẩu và không đi qua cửa khẩu qui định, không làm thủ tục hải quan theo qui định của pháp luật hoặc có hành vi gian lận số lượng, chủng loại. Hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc chứng từ không hợp pháp,...

Dân kinh doanh hàng xách tay tìm đủ cách xoay xở khi qui định mới có hiệu lực - Ảnh 3.

Hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu hàng lậu hãng GUCCI và SENSODYNE đã bị Cục QLTT Hà Nội bắt giữ gần đây. (Ảnh: Cục QLTT).

Về mức xử phạt, đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

Theo Nghị định 134/2016 về tiêu chuẩn hành lí, người nhập cảnh có hành lí mang theo người, hành lí kí gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức nhất định.

Với rượu từ 20 độ trở lên, một người được mang 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ là 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia tối đa không quá 3 lít. Với thuốc lá, người nhập cảnh được mang tối đa 200 điếu thuốc lá, 20 điếu xì gà…

Ngoài thuốc lá, rượu và đồ dùng cá nhân được mang theo phù hợp với mục đích chuyến đi, người nhập cảnh được mang hàng hóa (trừ hàng cấm nhập khẩu) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.