Đúng nửa tháng kể từ khi Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực (1/1/2020), phần đông "dân nhậu" đã biết sợ trước Nghị định này, khi giảm tần suất uống rượu bia và chọn dịch vụ đưa rước, thay vì tự lái xe về nhà.
Nguyên nhân là mức phạt của Nghị định 100 quá "chát". Nồng độ cồn quy định vượt mức 0, lái xe đã bị phạt; mức xử phạt lên tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia, trường hợp người điều khiển ôtô, mức phạt lên tới 40 triệu đồng.
Hơn 22h tối qua (15/1), bước ra khỏi một quán nhậu trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), anh Quang Minh chào các đồng nghiệp cùng bàn vẫn đang cụng li trong tiệc tất niên cuối năm, rồi leo lên xe của một tài xế GrabBike đang chờ sẵn phía ngoài.
"Tôi ớn cảnh sát giao thông, mấy ngày giáp Tết lỡ bị phạt theo Nghị định 100 là mất ngay hết tiền thưởng Tết, rồi tạm giữ xe thì rất căng. Đi xe công nghệ từ đây về nhà chỉ mất chưa đến 100.000 đồng, mà đúng là an toàn hơn thật. Bạn tôi bên trong nhiều người cùng đi xe công nghệ tới nhậu lắm", anh Minh cười.
Theo anh Minh, Nghị định 100 cũng là chủ đề mà mọi người nói trên bàn nhậu nhiều nhất tối qua. Vì nhắc tới nhắc lui nhiều lần nên từ đầu năm đến nay, anh ít đi "làm vài chai" với đồng nghiệp sau giờ làm.
"Mấy hôm nay nhiều tiệc tất niên, hết cơ quan rồi đến gặp đối tác cuối năm, nên tôi mới đi nhiều hơn. Đi tiệc tất niên là xác định có uống, nên tôi đều chủ động gọi xe công nghệ đưa đi, rước về hết", anh Minh nói.
Sau khi anh Minh vừa rời đi, cùng lúc có 2-3 tài xế xe công nghệ của các hãng khác nhau đến chờ khách. Từ một bàn nhậu khác, một vài người bước ra, đội mũ bảo hiểm rồi leo lên xe.
Ghi nhận tối 15/1, do nhu cầu gặp gỡ bạn bè và tiệc tất niên của nhiều doanh nghiệp, nên các con đường "ăn nhậu" ở TP HCM như Hoàng Sa, Trường Sa (quận 1, Phú Nhuận), Phan Xích Long (Phú Nhuận), Đồng Nai, Thành Thái (quận 10), Bùi Viện (quận 1)… đều tấp nập từ cửa hàng bình dân đến nhà hàng sang trọng.
Một điểm chung là có rất nhiều khách sau tiệc bia, tiệc rượu đều đứng chờ taxi, xe công nghệ đến rước. Với những nhóm đông người theo tiệc gia đình, họ thường chọn taxi hoặc dịch vụ đưa rước bằng xe ôtô của các ứng dụng gọi xe công nghệ. Ngược lại, những người đi một mình thường chọn xe ôm công nghệ để tiết kiệm chi phí.
"Hiện dân nhậu đi taxi, xe công nghệ đến nhậu rồi về nhiều lắm, nhất là những ngày gần đây. Bãi xe trước khi có Nghị định 100 là kín hết, nhất là xe máy, nhưng hiện trống trơn, chỉ bằng 1/3 so với trước đây thôi. Chúng tôi phải điều tiết taxi, ôtô, xe máy của các hãng xe công nghệ mỗi tối mệt luôn", nhân viên của một nhà hàng tại quận Phú Nhuận cho biết.
Nhu cầu đi lại của dân nhậu tăng cao, vì vậy, nhiều tài xế xe của các ứng dụng gọi xe công nghệ cho biết số lượng chuyến xe nhận mỗi tối kể từ khi có Nghị định 100 càng nhiều hơn, thu nhập cũng trở nên tốt hơn.
"Vài ngày gần đây, tôi chạy được nhiều hơn bình thường gấp 2-3 lần, khách chủ yếu từ các quán nhậu. Họ đi chuyến khá xa chứ không phải những cuốc ngắn như ban ngày, vì vậy thu nhập cũng tốt hơn. Thu nhập mỗi đêm cũng khoảng 500.000 đồng", anh Trần Thi, một tài xế GrabBike cho biết.
Theo anh Thi, kinh nghiệm có thu nhập tốt những ngày này là cứ chọn những khu vực tập trung nhiều quán nhậu là ứng dụng sẽ "nổ" liên tục. Đây cũng là "bí quyết" mà các tài xế xe công nghệ đang kháo nhau những ngày gần đây.
Thực tế, quanh khu vực các quán nhậu, bao giờ cũng có một nhóm tài xế xe ôm công nghệ lẫn dịch vụ gọi xe ôtô của các hãng đang chờ khách.
Tuy nhiên, song song với thu nhập cao, các tài xế cũng chỉ ra một loạt khó khăn, khi phải chở những "ông" nhậu vừa mới bước ra từ bàn tiệc.
"Thực ra nhận đơn hàng tại quán nhậu tôi cũng nơm nớp lo sợ, nhất là khi thấy những ông rượu chè be bét, đi đứng còn không nổi thì làm sao dám chở. Đây là một tình huống khó chứ không dễ. Đến nơi, mình chấp nhận chở thì nguy hiểm quá, còn từ chối thì lại rất gay go, nhất là trong trường hợp khách hàng đang say xỉn", anh Thành Vinh - một tài xế của Go-Viet cho biết.
Anh cho biết đã gặp trường hợp này rồi, rất may khách hàng có bạn dìu ra từ quán nhậu, anh đã "cầu cứu" xin được hủy chuyến, nhờ người bạn này chở về chứ không dám nhận "ca khó", bởi vừa nguy hiểm cho khách vừa không an toàn cho chuyến đi.
Trong khi đó, anh Công Hùng - một tài xế đang lái GrabCar, cho rằng đơn hàng buổi tối những ngày này đang rất tốt, chủ yếu là nhờ dân nhậu. Anh nói cũng rất sợ "bợm", nếu không khéo là rước họa vào thân, vì rất có thể họ nôn vào xe.
"Tôi cũng từng đi nhậu nhiều nơi nên biết, có những khu vực nên né ra vì bợm nhậu nhiều hơn là người uống cho vui. Vì vậy, khi đậu xe cũng chọn những khu vực khả quan, để vừa tăng thu nhập vừa không rước họa vào thân, bởi chi phi vệ sinh ôtô là không rẻ", anh nói.
Hiện trên diễn đàn của các tài xế xe công nghệ, nhiều tài xế cũng tỏ ra phấn khởi vì thu nhập cao vào những ngày trước Tết. Đồng thời, họ cũng kháo nhau hàng loạt cách để né những "bợm" nhậu chính hiệu.
Đại diện Grab cho biết hãng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trên tất cả các dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ di chuyển, kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Tuy nhiên, để xác định chính xác sự tăng trưởng này do yếu tố nào mang lại, cần phải theo dõi một khoảng thời gian nữa, cũng như đòi hỏi phương pháp phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện.
Trước mắt, Grab sẽ hợp tác cùng các đối tác nhà hàng, quán ăn để có các chương trình ưu đãi phù hợp dành cho khách đến ăn tại quán, và có nhu cầu di chuyển bằng các dịch vụ như gọi xe máy, xe ôtô.