Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co công bố gần đây cho biết quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam năm 2019 lên đến 1,1 tỉ USD, tăng gấp 5 lần so với 4 năm trước.
Trong khu vực, thị trường gọi xe Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Nhìn lại thị trường gọi xe năm qua, tuy không có nhiều tay chơi mới cùng xuất hiện như năm 2018, tuy nhiên, "miếng bánh" trị giá 1,1 tỉ USD này lại rất "nóng" với nhiều xáo trộn. Chỉ trong năm 2019, một loạt nhân sự cấp cao tại các ứng dụng gọi xe lần lượt ra đi. Song song đó, nhiều kế hoạch, tham vọng của các hãng xe tại thị trường Việt Nam cũng không được thực hiện trong năm qua.
Năm 2019 có thể xem là năm biến động nhiều nhất về vị trí cấp cao tại các ứng dụng gọi xe công nghệ ở Việt Nam, khi một loạt CEO, Phó Tổng giám đốc từ chức, thậm chí có trường hợp chỉ ngồi "ghế nóng" được vài tháng.
Mở màn cho làn sóng CEO nghỉ việc trong năm qua ông Nguyễn Vũ Đức - cựu CEO Go-Viet. Cuối tháng 3/2019, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ông Đức - người đang nắm quyền điều hành ứng dụng gọi xe đang được kì lân công nghệ Go-Jek (Indonesia) đầu tư tại Việt Nam, đã rời ghế CEO. Các nguồn tin cũng tiết lộ, trước khi từ chức, ông Đức yêu cầu hãng bồi thường khoảng 800.000 USD.
Trong khoảng nửa năm, Go-Viet đã thay 2 CEO là ông Nguyễn Vũ Đức và bà Lê Diệp Kiều Trang.
Phía Go-Viet sau đó đã lên tiếng xác nhận thông tin ông Đức không còn là CEO tại công ty. Đáng chú ý, cùng ra đi với ông Đức còn có bà Linh Nguyễn, người đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Go-Viet.
Cả ông Đức và bà Linh đều là những nhân sự cấp cao đầu tiên của ứng dụng này kể từ khi ra mắt tại Việt Nam hồi giữa năm 2018. Ngồi ở vị trí điều hành chưa đầy 1 năm, tuy nhiên, vai trò của ông Nguyễn Vũ Đức tại ứng dụng gọi xe này rất ấn tượng, khi tạo lên được tên tuổi của Go-Viet ở giai đoạn đầu, với hàng loạt khuyến mãi cho khách hàng lẫn tài xế, đưa Go-Viet phủ khắp mọi ngóc ngách của thị trường TP HCM thời kì đầu, thậm chí có thời điểm còn nổi trội hơn cả Grab.
Sau ông Đức, người giữ vị trí điều hành tại Go-Viet là bà Lê Diệp Kiều Trang. Đáng chú ý, bà Trang mới nhậm chức CEO Go-Viet hồi tháng 4, nhưng đến tháng 9/2019, tức chỉ 5 tháng điều hành, bà Trang lại rời "ghế nóng" Go-Viet.
Cựu CEO Go-Viet Lê Diệp Kiều Trang nghỉ việc được xem là một trường hợp rất đặc biệt, bởi bà Trang vừa rời ghế CEO Facebook Việt Nam cuối năm 2018. "Cô gái vàng" này được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực công nghệ, và ứng dụng gọi xe Go-Viet cũng được xem rất phù hợp. Mới đây, Lê Diệp Kiều Trang mới tiết lộ, bà và chồng đang tập trung vào quỹ đầu tư chuyên rót vốn vào các startup công nghệ vì cộng đồng.
Bất ngờ hơn cả trường hợp bà Lê Diệp Kiều Trang là CEO be Trần Thanh Hải. Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2019 nhưng beGroup - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be, thông báo ông Trần Thanh Hải không còn giữ chức Tổng giám đốc tại ứng dụng này từ ngày 24/12, vì lí do cá nhân.
Thời gian ông Trần Thanh Hải giữ ghế CEO be đúng 1 năm. Ông cũng là người thường xuyên đại diện be tại các sự kiện về công nghệ, khởi nghiệp.
Song song biến động "ghế nóng" thì năm qua, cũng chính ứng dụng gọi xe Go-Viet và be đã lỡ kế hoạch mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của mình như các tuyên bố trước đó.
Tính đến nay, hệ sinh thái của Go-Viet chỉ mới có 3 dịch vụ sau hơn 1 năm ra mắt trên thị trường, gồm đón khách bằng xe 2 bánh, giao hàng và giao nhận thức ăn. Trong khi đó, nếu so sánh với công ty mẹ là Go-Jek tại Indonesia, thì các dịch vụ của Go-Viet tại Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ mới đáp ứng được các dịch vụ ở mức cơ bản.
Năm ngoái, khi những chuyến xe đầu tiên của Go-Viet lăn bánh tại TP HCM với chương trình đồng giá 5.000 đồng mỗi chuyến đi, cựu CEO Go-Viet lúc đó là ông Nguyễn Vũ Đức khẳng định các mảng quan trọng mà hãng nhắm đến là giao nhận thức ăn, ví điện tử và ô tô.
Ông Đức cho rằng đây là những dịch vụ rất tiềm năng trong thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuối tháng 3, khi ông rời ghế CEO Go-Viet, hệ sinh thái của ứng dụng này cũng mới có thêm được dịch vụ giao nhận thức ăn.
Tiếp nối ông Nguyễn Vũ Đức, tại một sự kiện công nghệ, cựu CEO Lê Diệp Kiều Trang tiết lộ định hướng của ứng dụng tại Việt Nam là phát triển thêm các dịch vụ khác như đi chợ, thanh toán… như siêu ứng dụng tại Indonesia. Tuy nhiên, bà Trang kết thúc 5 tháng ngồi "ghế nóng", Go-Viet vẫn chưa có thêm dịch vụ nào mới. Tính đến nay, Go-Viet cũng là ứng dụng gọi xe công nghệ lớn mà chưa có dịch vụ gọi xe 4 bánh.
Go-Viet cũng là ứng dụng gọi xe năm qua lùm xùm nhất với nhiều vụ tài xế tập trung phản đối các chính sách thưởng, khách hàng tố cáo tài xế hành hung...Ứng dụng gọi xe này cũng bị khách hàng phản ứng, kêu gọi tẩy chay khi ẩn từ khóa Hoàng Sa, Trường Sa và ân luôn cả 2 quần đảo Hoàng Sa, trường Sa của Việt Nam trên bản đồ định vị.
Trong khi đó, tại be, hệ sinh thái sau 1 năm có mặt trên thị trường đã đa dạng hơn so với Go-Viet, gồm các dịch vụ gọi xe 2 bánh, 4 bánh, dịch vụ chuyển phát, bưu chính, giao hàng và dịch vụ khách hàng thân thiết beLoyalty.
Tuy nhiên, ứng dụng này cũng đã lỡ hẹn với một dịch vụ mà hai đối thủ lớn Grab và Go-Viet đang có, là giao nhận thức ăn.
Cựu CEO be Trần Thanh Hải từng cho biết trong 2 quý cuối năm 2019 sẽ xem xét triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, trước khi ông Hải rời ghế CEO, be xác nhận rằng hãng sẽ dồn lực tập trung cho mảng vận tải, thay vì phát triển dàn trải.
Năm qua, "miếng bánh" gọi xe công nghệ không có nhiều tay chơi mới nổi bật, và thị phần hầu hết vẫn thuộc về 3 "ông lớn" là Grab, be, Go-Viet.
Thực tế, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, sự xuất hiện của 3 màu áo đặc trưng xanh lá (Grab), đỏ (Go-Viet) và vàng (be) vẫn chiếm áp đảo so với FastGo, Vato, Mai Linh Bike hay mới nhất là MyGo của Viettel.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của ABI Research, nửa đầu năm 2019, đã có tổng cộng 200 triệu chuyến xe hoàn thành thông qua các ứng dụng tại Việt Nam.
Về thị phần, ABI Research cho rằng "gã khổng lồ" Grab đang áp đảo với 146 triệu cuốc xe đã hoàn thành nửa đầu năm, tương đương 73% thị phần.
Kế đến là be, ứng dụng vừa ra mắt cuối năm ngoái với 31 triệu cuốc xe, tương đương 16% thị phần.
Dù rầm rộ thời gian đầu nhưng Go-Viet đã bị be qua mặt, tạm xếp ở vị trí thứ ba, với 21 triệu chuyến xe hoàn thành, tương ứng 10% thị phần.
Theo thống kê của ABI Research, Grab đang sở hữu thị phần nhiều nhất, dựa trên tổng số chuyến xe đã hoàn thành. Ngoài ra, nếu so sánh về hệ sinh thái, ứng dụng này đang tỏ ra là người mạnh nhất. Tính đến cuối năm, các dịch vụ của ứng dụng đến từ Malaysia này là một danh sách dài gồm đưa đón khách bằng xe máy, ôtô, taxi, giao hàng, giao nhận thức ăn và các dịch vụ thanh toán khi kết hợp ví điện tử Moca.
Theo công bố mới đây của Grab, một trong những dịch vụ ấn tượng trong năm 2019 là giao nhận thức ăn.
Grab dẫn số liệu của Kantar cho biết 87% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát lựa chọn dịch vụ này của hãng thường xuyên nhất. Năm qua, "gã khổng lồ" này cũng đã mang mô hình "bếp trung tâm" Grab Kitchen về Việt Nam. Sau căn bếp đầu tiên tại quận Thủ Đức (TP HCM), Grab vừa khai trương thêm 1 căn bếp khác tại quận Bình Thạnh (TP HCM).
Google, Temasek Holdings và Bain & Co dự báo quy mô thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2025 sẽ đạt mức 4 tỉ USD, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2019. Dù là một "miếng bánh" hấp dẫn, nhưng các chuyên gia đã nhiều lần dự báo, đây được xem là cuộc chiến "đốt tiền" để có được khách hàng.
Trong một thông báo hồi giữa năm, Grab cho biết đã rót hơn 100 triệu USD vào thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam kể từ khi gia nhập năm 2014. Nếu tính trung bình, hãng đã bỏ ra một con số không hề nhỏ, khoảng gần 20 triệu USD mỗi năm.
Hồi cuối tháng 8, Grab cũng tuyên bố sẽ rót thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, chủ yếu đầu tư vào fintech, công nghệ di động mới (mobility) và logistics để giữ vị trí số 1 thị trường.