Phía Go-Viet giải thích rằng, tiền thưởng là "mức thu nhập bổ sung khi tài xế đạt đủ số chuyến, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tới người dùng". Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tính toán mức thưởng, như điều kiện thị trường, mức độ đổi mới của công nghệ... "Mục đích chính của chương trình điểm thưởng là nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu đặt xe của người dùng và mức độ sẵn sàng của các đối tác tài xế", thông cáo viết.
"Cách tính mới này được thực hiện dựa trên thuật toán, giúp hỗ trợ thu nhập ổn định cho đối tác tài xế. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn nỗ lực lắng nghe để mang lại lợi ích cho tất cả các bên đối tác và người dùng", ông Nguyễn Kiên, Giám đốc phát triển cộng đồng đối tác của Go-Viet chia sẻ.
Trước đó, khi cuộc đình công vẫn diễn ra bên ngoài văn phòng Go-Viet, đại diện công ty nói với báo giới rằng cách tính thưởng mới là nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích của tài xế, công ty, tính bền vững và hiệu quả của quỹ trả thưởng.
Theo giải thích này, có thể hiểu, khi áp dụng nhân giá thì thu nhập thuần của tài xế sẽ tăng còn thu nhập thưởng có thể giảm nếu vẫn chạy với số cuốc như trước. Vì thu nhập tài xế từ 2 khoản, gồm thu nhập thuần và thưởng nên khi một khoản tăng thì khoản kia giảm để đảm bảo tổng thu nhập vẫn tương đương trước, nếu hiệu suất tài xế không đổi. Điều này nhằm tránh vỡ quỹ lương thưởng cho tài xế.
Tài xế Grab, be, Go-Viet đỗ xe ở một cổng trường tại quận Bình Thạnh, TP HCM. (Ảnh: Viễn Thông).
Thực tế, ở thị trường gọi xe Việt Nam, tiền thưởng là một áp lực cho cả hai phía. Tài xế xem đó là một thu nhập hiển nhiên, phải bởi thu nhập từ cuốc xe thấp. Với hãng gọi xe, tiền thưởng là cách giữ chân tài xế trong bối cảnh đang cạnh tranh gay gắt. Còn theo chuyên gia, tiền thưởng như điều bắt buộc, bắt nguồn bởi chính sách giá rẻ của các hãng.
"Tiền thưởng rất quan trọng bởi chính sách giá rẻ. Tiền thưởng chiếm tới một nửa thu nhập tài xế nên họ rất dễ phản ứng khi có biến động", ông Vũ Hoàng Tâm, Chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng di động bình luận.
Ở mảng gọi xe 2 bánh, cả Grab, be và Go-Viet đều trả thưởng cho tài xế. Mục tiêu chung là giữ tài xế nhưng lí do thì mỗi ứng dụng cũng có 'nỗi niềm riêng'.
"Go-Viet là chính sách giá thấp. Khách hàng thì thích nhưng tài xế không thích nên họ phải thưởng để giữ đối tác. Chính sách mới khiến khó 'ăn thưởng' hơn nên tài xế phản ứng. Trong khi đó, 'be' còn mới nên thưởng nhiều nhằm thu hút tài xế", một nhân sự cấp cao trong ngành gọi xe nói.
Với Go-Viet hiện nay, 3 mức thưởng ngày tại TP HCM là 40.000 đồng, 120.000 đồng và 240.000 đồng, tương ứng số điểm là 40, 64 và 80. Mỗi cuốc xe được tính 2 điểm, cuốc giờ cao điểm là 4 điểm. Với cách tính này, tài xế cần chạy 40 cuốc giờ thông thường để nhận 240.000 đồng thưởng.
Trong khi đó, 'be' thưởng theo cuốc lẫn doanh thu cho tài xế 2 bánh. Cụ thể, tài xế tại TP HCM doanh thu từ 200.000 đến 399.000 đồng trong ngày được thưởng thêm 20% doanh thu, từ 400.000 đồng nhận thêm 25% doanh thu. Bên cạnh đó, tài xế hoàn thành số chuyến theo các mốc từ 8 đến 38 chuyến sẽ được thưởng từ 40.000 đồng đến 360.000 đồng.
Ví dụ, tài xế chạy 40 cuốc, với doanh thu 1,2 triệu đồng, sẽ được nhận thêm thưởng là 660.000 đồng, gồm 360.000 đồng thưởng theo số cuốc và 300.000 thưởng theo doanh thu. Tuy nhiên, hiện tần suất 'nổ cuốc' của 'be' chưa cao nên việc hoàn thành 40 cuốc với 1,2 triệu đồng là không dễ. Trước đó, hãng này còn thưởng nóng 10.000 đồng cho mỗi cuốc giờ cao điểm.
"Lúc trước có thưởng 10.000 đồng mỗi cuốc giờ cao điểm nhưng đã cắt. Chạy gần đến chỗ đón mà khách hủy cũng không còn được hỗ trợ 15.000 đồng như trước. Không biết người khác sao chứ từ ngày cắt thưởng cao điểm thì giờ đó tôi về nhà ăn cơm", Lê Minh, một tài xế 'be' cho biết.
Những người làm trong ngành gọi xe nói rằng, việc cân bằng cả 3 bên, bao gồm: duy trì mức thưởng và đảm bảo số cuốc với tài xế; duy trì giá thấp và trải nghiệm luôn có xe cho khách cùng với lợi ích kinh tế cho công ty là rất khó. Tài xế muốn thu nhập cao hơn, khách muốn đi xe rẻ hơn và các hãng thì dù có vốn mạnh nhưng cũng không ai muốn vung tiền 'đốt' bất chấp.
"Tôi là đời đầu chạy cho Go-Viet, hôm qua cũng tắt ứng dụng nhưng không đến công ty đình công. Tôi mở Grab lên chạy. Bây giờ tài xế 10 ông thì hết 7-8 ông chạy 2 ứng dụng rồi. Người thì Grab với Go-Viet, người Go-Viet với 'be' hoặc Grab với 'be' các kiểu. Bên nào thưởng ngon thì chạy", tài xế Nguyên nói.
So về chính sách thưởng, với hậu thuẫn tài chính lớn, Grab duy trì chính sách thưởng khá cao để đảm bảo đứng đầu thị phần ở Việt Nam. Đó cũng là lí do thưởng cũng trở thành áp lực tốn kém với các đối thủ khác.
Ở Grab, điểm thưởng tại xế được gọi là 'Ngọc'. Tại TP HCM, tài xế hai bánh có thể nhận cao nhất 360.000 đồng mỗi ngày nếu tích đủ 950 Ngọc. Tùy ngày và loại hình dịch vụ, mỗi chuyến được tính từ 15 đến 35 Ngọc. Tuy nhiên, tổng tiền thưởng của tài xế còn cao hơn vì sau mỗi đơn giao Grabfood còn được thưởng ngay 10.000-15.000 đồng. Đó là chưa kể chương trình thưởng theo tuần và các ưu đãi dành cho 'đối tác ưu tú'.
"Grab vẫn trong giai đoạn 'đốt' tiền và chưa hề có ý định dừng lại. Họ 'đốt' rất bạo trên mọi mặt trận từ gọi xe, giao đồ ăn cho đến ví điện tử. Có lẽ động thái 'Mạnh vì gạo, bạo vì tiền' này đến từ câu nói 'sẽ hỗ trợ Grab không giới hạn' từ ông chủ của Softbank - Masayoshi Son", ông Vũ Hoàng Tâm bình luận trong một bài phân tích gần đây.
Không chỉ thưởng để giữ tài xế. Các ứng dụng còn chạy đua những chính sách thưởng nóng cho các đối tác mới gia nhập. Grab từ lâu đã có chính sách thưởng 1,6 triệu đồng cho tài xế đăng kí chạy Grab với điều kiện từng có kinh nghiệm các qua các ứng dụng tương tự như be, Go-Viet, Mygo hay ứng dụng giao hàng.
Hồi đầu tháng 6/2019, Viettel Post quảng cáo tuyển tài xế và nhân viên giao hàng với 'quyền lợi ngập tràn' như có cơ hội kí hợp đồng lao động, thăng tiến nhanh, thu nhập lên tới 95% mỗi cuốc xe, miễn phí cước 3G/4G sử dụng ứng dụng. Công ty này tặng ngay một triệu đồng cho những người đăng kí.
Tuy nhiên, một số người làm trong ngành gọi xe nói rằng, nếu chỉ nhìn vào chính sách thưởng thì cũng khó phân định tài xế chạy cho ứng dụng nào sẽ 'ngon' hơn vì còn phụ thuộc vào các phúc lợi và lưu lượng khách mà ứng dụng đó thực tế đổ về cho tài xế nhiều đến đâu.
"Đó là chưa kể có những tài xế thích gian lận để 'ăn thưởng'. Các hãng cũng vì cạnh tranh nên 'bóp, thả' tùy lúc cho tài xế gian lận ở mức độ nào. Không loại trừ trường hợp khi các hãng siết chính sách, lọc gian lận kỹ hơn thì các tài xế đã quen có 'nguồn tiền dễ ăn' nay bị cắt thì nổi quạo", một nhân sự trong ngành nói.