Ứng dụng gọi xe Grab bất ngờ tiết lộ thông tin liên quan mảng kinh doanh giao nhận thức ăn sau một năm kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đại diện Grab tuyên bố đang là đơn vị có dịch vụ giao nhận thức ăn tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Theo tính toán của ứng dụng này, số lượng đơn hàng bình quân hàng ngày đã tăng 250 lần so với thời điểm dịch vụ ra mắt hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong một tuyên bố trước đó bên lề Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa tổ chức vào đầu tháng 5, Grab cho rằng số lượng đơn hàng GrabFood tính đến cuối tháng 3/2019, tăng 87 lần so với thời điểm ra mắt.
Như vậy, nếu so sánh hai kết quả này, chỉ trong vòng 2 tháng, tốc độ phát triển của dịch vụ giao nhận thức ăn của Grab đã tăng gần gấp đôi.
Grab tuyên bố mảng giao nhận thức ăn của hãng đang có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. (Ảnh: Zing).
Hãng này cũng dẫn một số thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, để chứng minh dịch vụ đang nhận được sự quan tâm và sử dụng của đông đảo khách hàng.
Cụ thể, Grab cho biết có đến 81% người dùng tại Hà Nội và TP HCM chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất.
Nếu kết quả này chính xác, Grab đang áp đảo ở thị trường giao nhận thức ăn. Con số nhỏ còn lại được phân chia cho nhiều hãng khác nhau.
Ngoài ra, lần đầu tiên Grab cũng tiết lộ số lượng đối tác tài xế hiện nay đang có. Con số này tổng cộng khoảng 190.000 tài xế trên cả nước, thuộc đủ các hình thức từ vận chuyển, giao nhận hàng hoá, thức ăn.
"Ông lớn" gọi xe công nghệ cho rằng đây là một lợi thế để chiến thắng ở phân khúc giao nhận thức ăn, khi có thể rút ngắn tối đa thời gian đưa món từ cửa hàng đến tay thực khách.
Tuyên bố làm "trùm" mảng giao nhận thức ăn của Grab đưa ra trong bối cảnh phân khúc này đang có một cuộc cạnh tranh gay gắt của nhiều tay chơi.
Grab không phải là ứng dụng đầu tiên có mặt tại thị trường giao nhận thức ăn Việt Nam. Một trong những tay chơi tiên phong ở dịch vụ này là Now, và một số ứng dụng nhỏ lẻ khác.
Grab tiết lộ đã "đốt" 100 triệu USD vào Việt Nam kể từ năm 2014. (Ảnh: Zing).
Năm ngoái, tại thời điểm ra mắt, Grab tự tin sẽ thành công ở mảng này, vì tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, là số lượng tài xế dồi dào sau thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó, Go-Viet nhảy vào thị trường gọi xe và chỉ một thời gian ngắn cũng tấn công vào mảng giao nhận thức ăn. Cuộc chiến của các ứng dụng cùng nổ ra, với hàng loạt tay chơi cũ và mới như Vietnammm, Lala… cùng nhiều chương trình khuyến mãi, nhằm hút khách hàng và cả tài xế.
Nhiều chuyên gia cho rằng các hãng chưa xong cuộc chiến "đốt tiền" ở mảng xe ôm công nghệ, đã tranh nhau "đốt tiền" ở phân khúc giao nhận thức ăn. Kèn cựa nhau trong việc giành khách hàng, giành tài xế nhưng chưa hãng nào công bố nắm được bao nhiêu thị phần.
Vì vậy, việc tuyên bố đang là hãng giao nhận thức ăn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Grab được xem là nhiều bất ngờ. Đặc biệt, mới đây ứng dụng đến từ Malaysia cũng vừa tiết lộ thông tin đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng) cho thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Như vậy, kể từ khi gia nhập Việt Nam vào năm 2014, đến nay hãng đã bỏ ra một con số không hề nhỏ để chiếm lĩnh thị trường. Nếu tính trung bình, mỗi năm, Grab "đốt" gần 20 triệu USD cho nền tảng của mình.
Tuy nhiên, Grab vẫn không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận đạt được sau nhiều năm gia nhập thị trường Việt Nam.