Lần đầu tiên Grab công bố đã ‘đốt’ 100 triệu USD trong cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam

Grab tuyên bố đã chi hơn 100 triệu USD vào thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam kể từ khi gia nhập năm 2014. Song, hãng không tiết lộ doanh thu và lợi nhuận, trong khi một số báo cáo cho rằng Grab đang lỗ nghìn tỉ đồng.

Grab đã "đốt" hơn 100 triệu USD tại thị trường Việt Nam

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra vào hôm nay, ngày 2/5, ứng dụng Grab đã bất ngờ công bố số tiền khủng đã chi để giành miếng bánh gọi xe công nghệ tại thị trường Việt Nam.

Đây là thông tin mà trước đây ứng dụng gọi xe đến từ Malaysia này chưa từng công bố, dù nhận sự quan tâm đặc biệt của truyền thông.

Cụ thể, hãng cho biết tính đến nay đã đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỉ đồng) cho thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam. 

Lần đầu tiên Grab công bố đã ‘đốt’ 100 triệu USD trong cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam - Ảnh 1.

Grab tuyên bố đã đổ hơn 100 triệu USD vào Việt Nam. (Ảnh: Torque).

Như vậy, kể từ khi gia nhập Việt Nam vào năm 2014, đến nay hãng đã bỏ ra một con số không hề nhỏ để chiếm lĩnh thị trường. Nếu tính trung bình, mỗi năm, Grab "đốt" khoảng gần 20 triệu USD cho nền tảng của mình.

Grab cũng tiết lộ hiện có tổng cộng 190.000 tài xế trên cả nước, thuộc đủ các hình thức vận chuyển, giao nhận hàng hoá, thức ăn đang là đối tác. 

Dù không khẳng định đang nắm bao nhiêu thị phần về tài xế, nhưng với tình hình phát triển hiện nay, Grab được xem là đang dẫn đầu về lĩnh vực gọi xe công nghệ. Đặc biệt, ở thời điểm Uber rút khỏi khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2018, một lượng lớn tài xế Uber đã đầu quân cho hãng duy nhất còn lại trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam thời điểm đó, là Grab.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên Grab tuyên bố khoảng 1/4 người Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của hãng. Nếu kết quả thống kê này chính xác thì miếng bánh còn lại trong thị phần gọi xe công nghệ đang được chia cho khá nhiều tay chơi, gồm Go-Viet, FastGo, Be, Vato…

Đặc biệt với hai dịch vụ mới nhất ra đời trong thời gian gần đây, là giao nhận thức ăn và thanh toán không dùng tiền mặt, Grab cũng cho hay đang thu được kết quả khả quan. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3/2019, số lượng đơn hàng GrabFood tăng 87 lần so với thời điểm ra mắt. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chiếm hơn 35% tổng số giao dịch.

Mới đây, đồng sáng lập kiêm CEO Grab - ông Anthony Tan, cho biết Grab dự kiến sẽ phát triển lớn gấp 4 lần so với đối thủ gần nhất của mình ở Indonesia và trên toàn khu vực vào cuối năm nay.

Đốt tiền khủng nhưng Grab vẫn lỗ?

Tuy công bố số tiền đã chi hơn 100 triệu USD, Grab vẫn không tiết lộ về doanh thu và lợi nhuận đạt được sau nhiều năm gia nhập thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, một số thông tin công bố gần đây cho thấy hãng vẫn đang trong giai đoạn "đốt" tiền và chưa thu được lợi nhuận, thậm chí số tiền lỗ lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Lần đầu tiên Grab công bố đã ‘đốt’ 100 triệu USD trong cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ ở Việt Nam - Ảnh 2.

Các hãng gọi xe công nghệ vẫn đang tiếp tục cuộc đua 'đốt tiền' vào cuộc chiến gọi xe công nghệ. (Ảnh: Zing).

Trong giai đoạn 3 năm 2014-2016, Grab báo lỗ 938 tỉ đồng. Thậm chí, sau đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế tiến hành thanh tra Grab. Kết quả thanh tra, Grab bị truy thu thuế và phạt hành chính tổng số tiền gần 3 tỉ đồng, giảm lỗ 56,6 tỉ đồng. 

Tại phiên xử giữa Vinasun và Grab vào năm ngoái, luật sư của Vinasun dẫn số liệu báo cáo của Grab về các khoản lỗ từ năm 2014-2017, là khoảng 1.700 tỉ đồng.

Cuộc chiến gọi xe công nghệ giữa các hãng được xem là một "cuộc đua đốt tiền". Trong cuộc đua này, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận nếu hãng nào có nhiều tiềm lực về tài chính và kéo dài thì khi đó sẽ giành được phần thắng. 

Gia nhập Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái, Go-Viet  cũng muốn tranh giành thị phần từ tay gã khồng lồ Grab. Bằng những khuyến mãi "khủng" nhất thời gian đó, như chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng, miễn chiết khấu tài xế… Cuộc đua của Go-Viet và Grab thời điểm đó rất gay cấn khi tranh giành tài xế và khách hàng.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, tay chơi mới này cũng ít chương trình khuyến mãi, bắt đầu thu chiết khấu tài xế gần đây. Không tuyên bố số tiền cụ thể chinh chiến tại Việt Nam nhưng Go-Jek - công ty mẹ Go-Viet, từng cho hay kế hoạch gia nhập 4 thị trường mới tại Đông Nam Á, gồm Việt Nam, là khoảng 500 triệu USD.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.