Mô hình GrabKitchen đã thử nghiệm trong tháng 9 tại quận Thủ Đức, TP HCM và chính thức ra mắt hôm nay (8/10).
Theo ghi nhận, "căn bếp trung tâm" của Grab hoạt động như một mô hình nhà hàng nhưng có cùng lúc nhiều thương hiệu khác nhau hoạt động, với thực đơn phong phú, gồm món ăn, thức uống, tráng miệng.
"Căn bếp" GrabKitchen tại quận Thủ Đức, bên trong là nhà bếp của 12 nhà hàng khác nhau. (Ảnh: Phúc Minh).
Điểm đặc biệt là các cửa hàng này được đặt tại một địa điểm duy nhất và bên ngoài có đặc điểm nhận dạng của GrabKitchen.
Đúng với mô hình giao nhận thức ăn, khi khách đặt qua ứng dụng và chọn các nhà hàng tại "căn bếp" này, tài xế Grab sẽ đến lấy thức ăn và mang đi. Khu "foodcourt" không phục vụ món ăn tại chỗ.
Đại diện Grab cho biết mô hình này có nhiều ưu điểm nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, nhất là khách hàng xung quanh khu vực quận Thủ Đức, vốn có một lượng lớn khách hàng trẻ tiềm năng là sinh viên.
Hiện 12 thương hiệu nhà hàng có mặt tại "căn bếp" này cũng là những thương hiệu lớn nhưng chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm TP HCM. Vì vậy, việc "họp nhóm" các thương hiệu này khiến người dùng có nhiều lựa chọn hơn.
"Với tính năng đặt nhiều đơn hàng cùng lúc, khách hàng có thể đặt nhiều đơn hàng GrabFood cùng một lúc, tối đa 4 đơn hàng từ 4 nhà hàng, quán ăn khác nhau, thay vì lần lượt đặt và chờ kết thúc từng đơn hàng như trước đây", đại diện Grab giới thiệu về mô hình mới ra mắt.
Grab cho biết mô hình do hãng chủ động đầu tư và thực hiện. (Ảnh: Phúc Minh)
Cũng theo đại diện Grab, mô hình này do hãng chủ động đầu tư và thực hiện. Các thiết bị trong "căn bếp" đều tuân thủ tiêu chuẩn của hãng về chất lượng thực phẩm, không gian, hệ thống xả thải tách biệt…
Các thương hiệu nhà hàng, quán ăn và Grab sẽ hợp tác với nhau để có mặt tại "căn bếp" này, dựa trên thỏa thuận về "tỉ lệ ăn chia" nhất định. Tuy nhiên, Grab không tiết lộ mức chiết khấu này.
Mô hình bếp chung này đã được Grab triển khai tại Indonesia. Tại thị trường này, Grab đã có 10 "căn bếp" và dự định đến cuối năm nay sẽ gia tăng "thần tốc" lên con số 50.
Việt Nam là thị trường thứ hai ứng dụng gọi xe công nghệ này triển khai GrabKitchen.
Giám đốc Grab Việt Nam - ông Jerry Lim, cho biết dự tính 3 tháng cuối năm sẽ mở nhiều mô hình GrabKitchen tại TP HCM. Và năm 2020, hãng sẽ tính toán đến việc mở rộng ra các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng.
Trước khi mở GrabKitchen, ứng dụng này đã hỗ trợ "lên đồ" cho một loạt cửa hàng, quán ăn tại TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh).
Trước khi mở "căn bếp" tại quận Thủ Đức, ứng dụng này đã hỗ trợ một loạt cửa hàng thức ăn, cà phê tại "con đường ăn uống" Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM khi "thay áo" bảng hiệu bằng màu xanh lá đặc trưng của Grab.
Grab cho biết nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch của dịch vụ giao nhận thức ăn tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019. Số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn.
Theo nghiên cứu được Kantar công bố vào tháng 8/2019, có 87% người tiêu dùng tại Việt Nam được khảo sát cho biết đã lựa chọn GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn mà họ sử dụng thường xuyên nhất.
Kinh doanh 14:49 | 23/10/2019
Tiêu dùng 14:14 | 23/10/2019
Kinh doanh 21:28 | 22/10/2019
Tiêu dùng 14:30 | 22/10/2019
Đô thị 13:41 | 20/10/2019
Du lịch 12:24 | 20/10/2019
Đô thị 10:01 | 20/10/2019
Tiêu dùng 08:05 | 20/10/2019