Con đường ngăn sông dài khoảng 100m nhưng doanh nghiệp chỉ chừa cây cầu tạm khoảng 5m cho nước sông chảy. Ảnh: T.T |
Lợi dụng việc phục vụ thi công công trình Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoà Quang Bắc, huyện Phú Hoà, Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Trần Đại, tỉnh Phú Yên đã ngang nhiên ngăn sông Ba, đoạn qua thị trấn Phú Hoà để làm đường vận chuyển cát, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân.
Người dân ở đây, càng bức xúc khi biết doanh nghiệp này ngăn sông làm đường mà chưa có đánh giá tác động môi trường.
Ông Mai Văn Lại, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa cho biết: “Nước sông Ba có lưu lượng chảy rất lớn, vậy mà họ làm đường ngăn sông chỉ chừa lại cái cầu khoảng 5m cho nước chảy qua, việc làm trên là khó chấp nhận. Dân làng ở đây toàn bà già, con nít không, nước dâng lên rồi có chuyện gì ai chịu trách nhiệm”.
Người dân bức xúc chia nhau túc trực để ngăn cản việc xây đường ngăn sông của doanh nghiệp. Ảnh: T.T |
Còn theo ông Lê Trinh, người dân thị trấn Phú Hòa, từ ngày Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trần Đại ngăn sông Ba làm đường để vận chuyển cát, dòng chảy bị tắc, nước sông thì dâng cao, rác thải, xác súc vật chết từ thượng nguồn trôi nổi lềnh bềnh thuyền xuyên tấp vào khu dân cư.
“Nhiều giếng đào, giếng khoan dọc bờ sông cũng bị ngập, ghe thuyền không qua lại được, hoa màu có nguy cơ ngập lúc nếu có triều cường hoặc mưa lớn. Cần xóa con đường kia để không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, gây mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân”, ông Trinh đề nghị.
Nói về việc làm đường ngăn sông, ông Trần Đại, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Trần Đại khẳng định, công ty làm là có chủ trương và có hồ sơ, có đánh giá tác động môi trường.
Dưới dòng sông Ba nhiều con đường cho xe chở cát được doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng. Ảnh: T.T |
Qua tìm hiểu, được biết, công ty ông Trần Đại lấy cơ sở làm đường ngăn sông từ thông báo số 412 ngày 23/6/2017, UBND tỉnh Phú Yên cho phép làm đường tạm từ đường ĐH.27 ra mỏ để vận chuyển cát phục vụ thi công Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong thời gian 3 năm.
Nội dung công văn nêu rõ, các cơ quan, đơn vị liên quan và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Trần Đại phải thực hiện các thủ tục liên quan, đánh giá tác động môi trường theo quy định trước khi triển khai thi công đường tạm và chỉ được làm đường sau khi được cấp phép thi công.
Tuy nhiên, khi các ngành chức năng và chính quyền địa phương còn chưa xác định rõ chức năng phê duyệt, đánh giá tác động môi trường thuộc về ai thì công ty này đã tự ý dùng phương tiện cơ giới ồ ạt đổ đất đá làm đường ngăn sông.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên thông tin: “Trước ý kiến của người dân, hiện nay chúng tôi đang tiếp thu và kiểm tra thực tế.
Nếu trường hợp mà công ty Trần Đại vi phạm về vấn đề đánh giá tác động môi trường, xây dựng không đúng quy định ảnh hưởng sạt lở bờ sông thì chúng tôi sẽ cương quyết xử lý theo quy định của pháp luật”.
Vật liệu được các xe ben tập kết để làm đường. Ảnh: T.T |
Đặc biệt, ngày 14/8 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên lại ra bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương hạn chế sử dụng cát vật liệu xây dựng thông thường đủ tiêu chuẩn xây dựng để san lấp mặt bằng theo Nghị quyết của Chính phủ.
Theo đó, tỉnh Phú Yên yêu cầu tuyệt đối không sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình.
Các sở, ban, ngành và phòng chuyên môn cấp huyện không thẩm định hoặc từ chối thẩm định đối với các công trình sử dụng cát đổ bê tông, xây, tô để san lấp mặt bằng, nền công trình; sử dụng không hợp lý nguồn khoáng sản cát và sử dụng chủng loại vật liệu cát đưa vào công trình không hợp lý.
Thế nhưng không hiểu sao việc đắp đường ngăn sông để khai thác cát quy mô lớn như trên lại diễn ra khiến người dân bức xúc và nôm nớp lo sợ cho sự an toàn của gia đình.
Sông Ba dài 388 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, Tây Bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao 1.549 mét, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, KBang, Đắk Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa Sơn Hòa và Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phố Tuy Hòa. Vùng hạ lưu của sông có tên Đà Rằng, từ này là từ đọc trại của Ea Drăng xuất phát từ tiếng Chăm cổ có nghĩa là "con sông lau sậy". Lưu vực của hệ thống sông Ba rộng 13.900 km² bao gồm cả phần phía Đông Bắc của Đăk Lăk. Sông Ba cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa - vựa lúa lớn nhất Duyên hải Nam Trung Bộ, với diện tích hơn 20.000 ha. Dọc theo sông Ba có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Cầu Đà Rằng qua sông này tại Tuy Hòa dài 1.512 m là cầu dài nhất miền Trung Việt Nam. |
Phú Yên: Điều tra nghi vấn bán cát ra ngoài tỉnh không hóa đơn UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Cục Thuế và Công an tỉnh này kiểm tra, làm rõ dấu hiệu xuất bán cát trái phép, không ... |