Sáng 3/10, nhiều người dân đã tập trung trước Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước để phản ứng vì cho rằng nước thải từ bãi chôn lấp rác tràn ra ngoài.
Cụ thể, người dân phản ảnh nước ở rạch bỗng nhiên sủi bọt, có màu lạ và nghi ngờ đó là nước rỉ rác tràn ra ngoài. Trước đó, người dân sống xung quanh bãi rác khổng lồ này đã nhiều lần lên tiếng vì tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước kéo dài nhiều năm trời.
Toàn cảnh bãi rác Đa Phước. Ảnh: Lê Quân. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết chính quyền huyện đã có đối thoại với người dân xã Đa Phước ngay sau khi xảy ra sự việc. Lãnh đạo huyện cũng đã ra thực tế ở hiện trường.
“Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi cũng hứa với người dân sẽ công bố kết quả xét nghiệm mẫu nước công khai”, ông Hồng nói.
Tối 3/10, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sở cũng đang nắm thông tin từ huyện Bình Chánh về vụ việc liên quan đến bãi rác Đa Phước.
Theo Tiền Phong, bãi rác Đa Phước đã có báo cáo về sự việc gửi lên Thành uỷ và UBND TP.HCM. Đơn vị này phủ nhận việc nước rỉ rác tràn ra ngoài mà giải thích đó chỉ là nước mưa trộn với nước bơm cát trôi xuống rạch.
VWS cho biết, nhà thầu bơm cát không thể lường trước được ảnh hưởng từ các trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã vô tình tạo thành lối thoát trôi cát ra kênh rạch. Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã có mặt kịp thời để kiểm tra hiện trường, xử lý và cử đơn vị đại diện xuống lấy mẫu phân tích để làm rõ nguyên nhân.
“Nếu có vi phạm sau khi thông báo kết quả lấy mẫu thì VWS sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và cam kết thực hiện đúng theo quy định”, thông báo VWS cho biết.
Năm 2016, người dân Đa Phước khốn đốn vì nguồn nước bị nhiễm bẩn, tôm chết hàng loạt. Ảnh: Lê Quân. |
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (còn gọi là bãi rác Đa Phước) chính thức đi vào hoạt động vào năm 2007 do Việt kiều Mỹ David Dương đầu tư. Suốt gần 10 năm hoạt động, VWS vướng phải các nghi vấn liên quan đến giá thành xử lý rác, công nghệ và các vi phạm trong việc thực hiện thủ tục đầu tư.
Năm 2016, bãi rác Đa Phước bị kết luận là thủ phạm gây ra vụ khủng hoảng mùi hôi tại khu Nam Sài Gòn. Trước các tố cáo liên quan đến bãi rác này, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ ngành và UBND TP.HCM làm rõ các sai phạm của Đa Phước.
Hồi tháng 6, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước) với tổng số tiền hơn 1,58 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Môi trường, VWS bị xử phạt với hàng loạt vi phạm như không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật...
Ngoài phạt tiền, Tổng cục Môi trường còn yêu cầu VWS phải chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2.
TP HCM dự kiến chi hơn 1.000 tỷ để giảm ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước
TP HCM dự kiến sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý ... |