Dịch vụ chăm sóc mai, kiểng vẫn thường được coi là "hốt bạc" giờ đây cũng khan hiếm người dám làm. |
Sau Tết Nguyên Đán những người chơi mai kiểng lại kiếm chỗ để gửi cây, tuy nhiên sau một năm chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, thua lỗ trầm trọng các chủ vựa cây giờ đây đều lắc đầu ngao ngán vì sợ lại phải bỏ tiền túi ra đền cây cho khách.
Vào những ngày đầu năm mới khi Tết đã đi qua, mọi người trở lại với công việc thường ngày, người dân Sài Gòn tấp nập đưa mai tới các vựa cây cảnh kí gửi, nhờ chăm sóc để tiếp tục có mai chưng trong dịp Tết năm sau. Tuy nhiên nhiều người phải cất công tìm kiếm, nhờ vả, thỏa thuận mới tìm được chỗ để gửi mai.
Gặp anh Hồ Đông (ngụ Gò Vấp) đang đưa mai đi gửi, giữa trưa nắng, anh Đông khổ sở nói: “Từ sáng tới giờ tôi đã đi ba vựa rồi và bày tỏ, thỏa thuận đủ kiểu cuối cùng mới tìm được chỗ để gửi mai. Chưa có năm nào mà hao công tổn sức như năm nay”. Không riêng trường hợp của anh Hồ Đông, chúng tôi còn gặp thêm nhiều người khác cũng trong tình cảnh tương tự khi phải đội nắng, vã mồ hôi mới tìm được nơi chịu nhận mai.
Để lý giải cho điều này, nghệ nhân Bảy Dĩnh, một trong những ông chủ vựa mai lớn ở quận Thủ Đức cho biết, năm vừa rồi có khá nhiều vựa mai điêu đứng vì hàng trăm gốc mai nở sớm. Nhiều trong số đó là cây của khách gửi nên họ phải đền cây tương tự ra hoa đúng Tết. Chính điều ấy khiến các chủ vựa đều lo sợ phải bỏ tiền đền nhất là những cây mai có giá cao.
“Thời tiết những năm gần đây cực kì khó chịu, mai thì ưa nóng mà Sài Gòn lại lạnh đột ngột. Đã vậy, những cơn mưa bất chợt khiến mọi nhà vườn không kịp trở tay. Triều cường kết hợp mưa lớn làm hoa ngập gốc, cuối năm lại lạnh đột ngột thêm vào mấy cơn mưa trái mùa khiến năm rồi nhiều nhà vườn chấp nhận cảnh trắng tay”, ông Bảy Dĩnh lý giải.
Nhiều người chơi mai phải vã mồ hôi mới tìm được chỗ để gửi mai. |
Theo nghệ nhân Bảy Dĩnh, với một cây mai giá tiền tỷ thì mức chi phí chăm sóc cũng lên đến con số hàng trăm triệu. Người ngoài tưởng đó là mức hời lớn cho một cây mai nhưng bù lại, nếu lỡ cây chết, bị gió quật gãy, nở không đúng dịp Tết thì nhà vườn phải bồi thường, thậm chí phải đi thuê mai nơi khác với hình thức tương đương để khách hàng có hoa chưng Tết.
“Công thuê người chăm sóc, phân bón, thuốc luôn tiêu tốn rất nhiều chi phí của nhà vườn. Nếu hoa nở không đúng dịp Tết, việc bỏ một số tiền thậm chí gấp đôi phí chăm sóc để đi mướn hoa cho khách là chuyện bình thường”, ông chủ vườn mai Bảy Dĩnh nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, mọi năm chi phí để chăm sóc mai rẻ hơn năm nay và gần như chỉ cần chở tới là chủ vựa mai sẽ nhận. Tuy vậy, năm nay chỗ nào mai cũng bị nở không đúng thời điểm trước sự bất lực của người chăm sóc. Chính vì vậy, giá chăm sóc mai năm nay rất cao, việc bù nếu mai nở sớm cũng không tốt như trước.
Anh Lê Minh Hùng (người có nhu cầu gửi mai) cho biết, mọi năm nếu mai nở sớm hay trễ, không thể chưng Tết thì bên nhận chăm sóc sẽ thuê mai khác để giao cho khách. Nhưng năm nay lại khác, không may mai không hư hỏng dù vì chủ quan hay khách quan, chủ vựa mai cũng chỉ đồng ý trả 70-80% chi phí thuê mai nơi khác, phần còn lại khách phải cùng chịu.
Công sức chăm sóc cây mai trong một năm thực sự cao hơn nhiều người nghĩ, vì thế dù giá cao người nhận chăm mai vẫn lo lỗ. |
Việc chống chọi lại thời tiết người chăm sóc mai cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ trong đó vốn và kiến thức chính là yếu tố không thể thiếu. Nghệ nhân Phàn Xuân Thông chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân học hỏi được trong nhiều lần qua nước ngoài rằng, mai là loại cây ưa nóng, nền nhiệt mà xuống thấp thì không tốt cho cây, nụ không đủ nhiệt để cương. Cùng với đó, sương muối, mưa trái mùa cũng khiến mai nở sớm, nở không đều, không đẹp.
“Nhiệt độ và độ ẩm thay đổi thất thường nên nếu muốn chăm sóc mai tốt phải bỏ vốn để làm nhà lồng bằng nilon. Khi nền nhiệt xuống thấp phải cho mai vào bên trong, nơi có nền nhiệt cao hơn và ổn định hơn, vừa để đảm bảo nhiệt cho cây phát triển vừa để tránh mưa, tránh gió ảnh hưởng tới sức tăng trưởng của cây. Nhưng thật chất không có nhiều vựa làm được điều này phần vì quỹ đất không đủ, phần vì không có vốn làm nhà nilong cũng như thiếu kiến thức chăm sóc”, nghệ nhân Thông chia sẻ.
Với những người làm nông, ngoài yếu tố tay nghề, thời tiết vừa là trợ thủ đắc lực nhưng có khi lại là kẻ thù với họ. Nếu thời tiết ủng hộ thì không nói làm gì nhưng nếu bị thời tiết chống lại, không những hoa nhà cũng hỏng mà hoa nhận chăm sóc phải bỏ tiền ra đền khiến họ rất e dè, hạn chế nhận chăm sóc mai vì sợ bị phá sản.