Dân TP.HCM kêu trời vì nạn vẽ bậy

Cố ý vẽ bậy lên tường nhà, cửa cuốn, chân cầu… có thể bị xử lý hình sự.

Sau vụ việc toa tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy, nhiều người dân ở TP.HCM cho biết các chân cầu, rào chắn dự án, tường nhà, cửa cuốn của họ cũng thường xuyên bị biến thành giá vẽ bất đắc dĩ của các họa sĩ đường phố.

Với người vẽ, đây là một trò vui nhưng với các khổ chủ thì là nỗi bức xúc lớn mà chưa có biện pháp để ngăn ngừa, bắt phạt.

Hình vẽ bậy lớn nhỏ khắp nơi

Theo ghi nhận của phóng viên, trên hàng loạt tuyến đường như Cao Thắng, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng… đều có rất nhiều hình vẽ bậy chằng chịt trên tường nhà, cửa cuốn, tủ điện… Các hình vẽ này được thực hiện theo phong cách graffiti (tranh phun sơn lên tường). Một số rất nguệch ngoạc, xấu xí, khó hiểu nhưng cũng có những tác phẩm đẹp. Tuy nhiên, dù xấu hay đẹp đều khiến người dân bức xúc vì đã tùy tiện “bôi bẩn” lên tài sản của họ.

Chủ một tiệm thuốc trên đường Cao Thắng bức xúc: “Nhà tôi bị vẽ lên cửa rất nhiều lần. Sơn lại thì xấu, tôi buộc phải thay cửa mới, bị nhiều lần không có tiền thay nữa nên đành chịu vậy”. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng, bảo vệ một khách sạn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cho rằng: “Những người này thật dư tiền, đi phá hoại người khác. Nhiều khi 22 giờ đêm tôi kiểm tra cửa vẫn sạch sẽ, đến 2 giờ sáng đã bị vẽ chằng chịt. Hàng loạt trụ điện trên đường này cũng bị vẽ nhem nhuốc như vậy, nhìn rất bực bội”.

Một dự án đang thi công trên đường Điện Biên Phủ, dãy hàng rào tôn dài hàng chục mét cũng bị phủ kín các ký hiệu, hình vẽ graffiti. Ông Nguyễn Văn Vinh, một người dân, bức xúc: “Tôi nghĩ người vẽ trẻ tuổi, có thời gian và thích vẽ, thích khẳng định mình. Thế nhưng thỏa đam mê của mình mà vô tình phá hoại tài sản của người khác, làm xấu hình ảnh của thành phố là sai trái, cần bị ngăn chặn và xử phạt”.

dan tphcm keu troi vi nan ve bay

Hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM bị vẽ bậy. Ảnh: THÁI NGUYÊN

Bắt được là phạt nặng

Khó chịu với những họa sĩ giấu mặt bôi bẩn đường phố, một người dân ở quận 3 hiến kế: “Theo tôi, các đơn vị chức năng phải lắp đặt thêm camera, cử lực lượng tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện người vẽ bậy phải yêu cầu khắc phục, trả lại hiện trạng kèm xử phạt hành chính để răn đe”.

Một đại diện UBND phường Bến Nghé (quận 1) cho biết: “Những đối tượng này thường hoạt động về đêm nên việc bắt quả tang là rất khó. Có trường hợp camera ghi lại được nhưng không thể nhận diện được khuôn mặt. Thời gian tới phường sẽ tăng cường tuần tra, giám sát để ngăn ngừa tình trạng cố tình phá hoại tài sản này. Nếu bắt quả tang chắc chắn sẽ xử phạt nghiêm theo quy định”.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết bôi bẩn, vẽ bậy lên tường là hành vi cố ý phá hoại tài sản, làm hư hỏng tài sản được thực hiện bởi lỗi cố ý. Căn cứ vào kết quả giám định tài sản hư hỏng, người vi phạm lỗi này có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Cụ thể, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức án có thể lên đến 2-7 năm tù nếu gây thiệt hại từ 50 triệu đến 200 triệu đồng; phạt tù 7-15 năm nếu gây thiệt hại tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng; trường hợp giám định cho thấy tài sản hư hỏng, thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù 12-20 năm hoặc chung thân.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, người vẽ bậy lên tường nhà người khác khiến người đó phải bỏ chi phí để sửa chữa phải có nghĩa vụ bồi thường những chi phí này. Như vậy, chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề đơn giản như các “họa sĩ” vẫn nghĩ.

Năm 2016, UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Dương Minh Tường An (Đồng Tháp) về hành vi làm hoen bẩn nơi công cộng. Hôm đó, An đi ngang khu vực Công viên 23-9, thấy bốn người khác đang dùng bình xịt sơn vẽ trên tường nên “góp vui”. Khi lực lượng chức năng phát hiện, bốn người kia chạy mất còn An phải chịu phạt 1,5 triệu đồng, bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của bức tường.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.