Đằng sau những chiếc quan tài nằm ngay trong nhà

Tang lễ trên đảo Sumba tốn kém đến mức người dân nơi đây phải mất nhiều năm trời mới lo nổi. Trong thời gian đó, thi thể người chết được cất giữ trong nhà.

Nhà của ông Umbu Mbora ở làng Lewa, khu vực Đông Sumba thuộc đảo Sumba – Indonesia, cũng giống như những căn nhà địa phương xập xệ khác với mái tranh, vách gỗ và hầu như không có nội thất.

Tuy nhiên, điều khiến người ngoài sửng sốt nhất có lẽ là 2 thi thể được cất giữ ngay bên trong nhà.

Được biết, 2 thi thể nói trên thuộc về chị kế và anh họ của ông Mbora – những người qua đời lần lượt vào năm 2008 và 2010.

Quan tài thứ nhất được cất giữ bên trong một căn phòng nhỏ và tối cạnh bếp, chiếc còn lại nằm ở phòng khách.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Cũng giống như những dân làng khác trên đảo Sumba, ông Umbu Mbora cất giữ thi thể người thân trong nhà. (Ảnh: South China Morning Post)

Cả 2 quan tài này đều trông sạch sẽ và được che phủ bởi vải truyền thống của người Sumba.

Trong khi người ngoài có thể bị sốc trước sự hiện diện của 2 quan tài này, ông Mbora và gia đình cảm thấy hoàn toàn bình thường.

Họ không có bất cứ lo lắng nào về việc sống chung với 2 thi thể vẫn đang phân hủy.

"Chẳng có gì bất thường về việc để họ trong nhà. Tôi gần gũi với họ khi họ còn sống. Với tôi, họ chỉ đang ngủ trong phòng mà thôi.

Mỗi khi lau dọn phòng vào dịp Giáng sinh hay năm mới, tôi bày biện bàn thờ hay thuốc lá cho họ.

Tôi luôn xin phép họ mỗi khi vào phòng… nói với họ tôi đến để lau dọn" – vợ của ông Mbora, bà Rambu Herlina, chia sẻ.

Trong khi đó, ông Mbora cho biết cả 2 thi thể nói trên đều không bốc mùi. Để làm được điều này, theo ông Mbora tiết lộ, họ để nhiều lớp vải chất lượng tốt, lá thuốc và canxi bên dưới thi thể.

Điều này giúp giữ thi thể trong tình trạng "tốt" suốt nhiều năm, ông Mbora chia sẻ.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Ông Yusuf Djanggambolu, 44 tuổi, thăm mộ của mẹ trước nhà ông Mbora. (Ảnh: SCMP)

Tang lễ của người dân đảo Sumba cũng giống với tang lễ của người Toraja trên đảo Sulawesi nhưng lại khác biệt so với phần còn lại của Indonesia – quốc gia có số người theo Hồi giáo đông nhất.

Theo quan niệm của người Hồi giáo, thi thể của một người phải được chôn càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, người dân đảo Sumba thường cất giữ thi thể người thân trong nhà suốt nhiều năm hay thậm chí là nhiều thập kỷ trong một số trường hợp.

Người dân nơi đây chỉ chôn cất người chết khi họ đã dành dụm đủ tiền để mang lại một cuộc sống no đủ cho người chết ở kiếp sau.

Ở Đông Sumba, hơn 18.000 người vẫn còn thực hiện tín ngưỡng do tổ tiên truyền lại được gọi là Marapu, tôn thờ một vị thần vô danh có cặp mắt và đôi tai khổng lồ được cho là biết tất cả mọi chuyện.

Người Sumba tin rằng vị thần này có thể nghe cũng như nhìn thấy mọi điều và rằng tổ tiên đã mất chính là người trung gian giữa họ và vị thần này.

Tín ngưỡng này đòi hỏi một tang lễ cầu kỳ và tốn kém, đặc biệt là đối với những gia đình hoàng tộc như gia đình ông Mbora. Tổ tiên của ông là "vua" ở vương quốc Lewa Kambera - Lewa và Prailiu, cả 2 đều ở Đông Sumba.

Trong suốt nhiều thế kỷ, các vị vua của Sumba sở hữu nhiều đất đai và gia súc. Những vị vua này thường có nhiều nô lệ và vợ, kể cả những người có cùng huyết thống.

Kết hôn với anh chị em họ, như trường hợp của ông Mbora và bà Herlina, vẫn còn phổ biến ở Sumba cho đến hôm nay.

"Ngày trước, nếu không thể có con với vợ, vua có thể cưới thêm vợ khác, bao nhiêu tùy ý. Điều này được cho phép vì các vị vua rất quyền lực" – ông Mbora chia sẻ.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Mộ truyền thống của người Sumba. (Ảnh: SCMP)

Khi vua mất đi, họ được chôn chung với châu báu và thậm chí có thể là nô lệ sống để được hầu hạ ở kiếp sau.

Những đám tang như vậy có thể mất hàng tháng trời để chuẩn bị. Những người ở lại phải xây thêm nhà và chuẩn bị hàng trăm con lợn béo để phục vụ hàng ngàn khách viếng.

Ngày nay, mặc dù nô lệ không còn bị chôn sống với chủ nhân, những nghi lễ tương tự vẫn tiếp diễn.

Con gái phải đem theo nhiều trâu, ngựa hoặc bò đến tang lễ của cha để làm lễ tế, những con vật vốn tốn tận 30 triệu rupiah (2.200 USD)/con.

Trong khi đó, lợn béo đãi khách viếng tốn thêm 3,5 triệu rupiah/con. Đó là chưa kể đến chi phí xây thêm nhà để phục vụ khách viếng.

"Chúng tôi vẫn chưa đủ tiền xây nhà để gia đình và họ hàng chúng tôi tá túc xuyên suốt thời gian diễn ra tang lễ.

Nếu chúng tôi mời 50 khách, mỗi người trong số này có thể dẫn theo ít nhất 50 người khác trong đoàn tùy tùng của họ. Vì thế, chung tôi cần phải chuẩn bị hàng trăm con lợn và trâu" – ông Mbora cho biết.

Một nhiệm vụ tốn thời gian khác là xây dựng mộ nguyên khối mang tính biểu tượng của người Sumba.

Theo tín ngưỡng Marapu, mộ phải được làm từ một khối đá hình vuông, nặng với 4 cột đá nhỏ phải được khai thác từ cùng một mỏ.

Kích thước mộ không bắt buộc nhưng càng lớn càng tốt, đặc biệt là với những gia đình hoàng tộc như gia đình ông Mbora.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Mộ ở Kampung Ratenggaro, Tây Nam Sumba. (Ảnh: SCMP)

Để khai thác và lấy được đá khối từ mỏ đòi hỏi sức lực của hàng trăm người đàn ông khỏe mạnh và ít nhất 4 nghi lễ để xin tổ tiên tiếp sức mạnh cho những người này. Tất nhiên, toàn bộ chi phí này đều do phía tang gia lo.

"Để kéo được khối đá lớn, chúng tôi cần ít nhất 100 triệu rupiah và 300 người đàn ông khỏe mạnh… bạn có thể mường tượng ra chi phí chuẩn bị thức ăn cho họ rồi đấy" – ông Mbora chia sẻ.

Ngày nay, người Sumba có thể chọn các ngôi mộ kiểu dáng truyền thống nhưng được xây từ xi măng và gạch.

Với những người đã chuyển sang Thiên Chúa giáo, họ có thể trang trí mộ bằng Chữ thập hoặc hình ảnh Chúa Jesus hay Đức mẹ.

Những ngôi mộ này được đặt trước nhà, được lau chùi định kỳ và thường có các cánh cửa để những thành viên khác trong gia đình thiệt mạng sau này được chôn với người thân của họ.

Những chi phí tốn kém nêu trên chính là lí do vì sao Marapu được mô tả là tín ngưỡng đắt đỏ nhất thế giới.

Tuy nhiên, đây cũng là lí do khiến Sumba là một trong những khu vực nghèo nhất Indonesia.

Người dân trên hòn đảo này không chỉ hy sinh gia súc cho đám tang và lễ chôn cất mà còn đám cưới.

Ngay cả những gia đình nghèo khó chỉ ăn cơm trộn ngô với rau củ cũng thực hiện tín ngưỡng tốn kém này.

Reverend Debora Wuri Wuryaningrum, một người chuyển đến đảo Sumba sinh sống từ năm 2004, cho biết có nhiều người thậm chí không có tiền cho con cái đi học nhưng vẫn cung cấp nhiều ngựa, trâu và lợn cho tang lễ.

"Nếu tôi tính chi phí, một ngày tang lễ tốn tương đương một chiếc xe máy. Với những gia đình hoàng tộc…có thể là một chiếc xe tải hoặc một chiếc xe hơi mới" - Wuri Wuryaningrum chia sẻ.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Mộ của những gia đình hoàng tộc được khắc một biểu tượng đặc biệt được gọi là Penji. (Ảnh: SCMP)

Việc thay đổi một tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống của người dân từ nhiều thế kỷ không phải là điều dễ dàng.

Ngay cả với những gia đình đã chuyển sang Thiên Chúa giáo như gia đình ông Mbora, phong tục để người chết trong nhà vẫn được thực hiện.

"Mặc dù họ không thể trả lời chúng tôi, chúng tôi vẫn đang liên lạc với họ để thể hiện sự tôn trọng.

Chúng tôi sẽ đoàn tụ với họ một lần nữa ở kiếp sau… Chúng tôi vẫn là một gia đình, dù là ở trong mộ hay ở trong nhà" – ông Mbora cho biết.

Ông Robert Ramone, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Sumba, khẳng định nếu muốn thay đổi tín ngưỡng tốn kém này, chính phủ phải can thiệp.

"Cái chết là một sự kiện xã hội liên quan đến nhiều người và một lượng lớn tiền bạc và ở Sumba, điều này còn đòi hỏi thêm sự hy sinh thú vật.

Đó là một truyền thống. Tang gia sẽ cảm thấy xấu hổ nếu họ không hy sinh trâu. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến người Sumba nghèo đi.

Chúng tôi vẫn đang nỗ lực cắt giảm điều này nhưng chúng tôi cần chính phủ ban hành một điều luật để giúp đỡ chúng tôi. Chỉ nỗ lực của chúng tôi thôi là chưa đủ" – ông Ramone cho biết.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha

Ông Robert Ramone, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Sumba.

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha Mỹ có thể sắp chuyển 215 quan tài rỗng tới Triều Tiên

Lầu Năm Góc cho biết đang chuẩn bị các bước cần thiết để nhận lại hài cốt lính Mỹ tử trận được Triều Tiên trao ...

dang sau nhung chiec quan tai nam ngay trong nha Tin nóng trong ngày 21/6: Thi thể bị trói nổi trên sông và quan tài 'diễu phố'

Người dân phát hiện thi thể một người phụ nữ bị trói nổi trên sông ở Đà Nẵng và người nhà bé gái bị tai ...

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (13/4 - 19/4): Sắp khởi công nhiều cao tốc ở Bình Dương và Thái Bình
Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tiền khả thi cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; sắp khởi công cao tốc CT 08 đoạn qua Thái Bình và cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.