Giá trị của thương vụ cũng sẽ quá lớn so với "thói quen" của Apple. Năm 2016, SoftBank mua ARM với giá 32 tỷ USD. Con số này lớn gấp 10 lần thương vụ lớn nhất của Apple trước đây.
Bán ARM là một phần trong kế hoạch bán 41 tỉ USD tài sản để hỗ trợ các danh mục kinh doanh đang gặp khó khăn.
WSJ dẫn lời một nguồn tin cho biết các hình thức bán có thể là bán toàn bộ, bán một phần hoặc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây sẽ là một thương vụ đình đám trong làng công nghệ.
Bloomberg đưa tin Apple là một trong những tập đoàn mà SoftBank liên hệ. Apple và SoftBank đã có những cuộc thương lượng sơ bộ, nhà sản xuất iPhone không muốn đi tiếp.
Apple không muốn sở hữu ARM vì vài nguyên nhân. ARM hoạt động theo mô hình bán bản quyền chip, khác biệt xa so với những mảng kinh doanh phần cứng hiện tại của Apple.
Nếu vừa sản xuất phần cứng, vừa bán thiết kế, Apple có thể đối mặt với những cáo buộc độc quyền và kiện tụng từ những đối tác và đối thủ.
Giá trị của thương vụ cũng sẽ quá lớn so với "thói quen" của Apple. Năm 2016, SoftBank mua ARM với giá 32 tỷ USD. Con số này lớn gấp 10 lần thương vụ lớn nhất của Apple trước đây, khi họ chi 3 tỷ USD để mua lại Beats Electronics năm 2014.
Dù vậy, việc sở hữu ARM vẫn là một viễn cảnh rất hấp dẫn với Apple. Công nghệ của ARM đã góp mặt trong tất cả những chiếc iPhone và iPad từ trước tới nay, và ngay trong năm nay sẽ bắt đầu đổ bộ lên cả dòng sản phẩm MacBook.
ARM là một công ty "tí hon" nếu xét về doanh thu, lợi nhuận so với Apple. Trong năm tài khoá 2020, kết thúc vào tháng 5/2020, công ty này đạt doanh số 1,9 tỷ USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Apple hay các công ty khác trong ngành bán dẫn như Intel, TSMC hay Samsung.
Tuy nhiên, ARM gần như "độc quyền" trong ngành thiết kế chip di động và các thiết bị thông minh khác. Google, Qualcomm, Samsung hay Apple đều phải sử dụng các thiết kế của ARM. Bất kỳ gã khổng lồ nào sở hữu công ty này đều có thể khiến các đại gia công nghệ khác gặp khó khăn.
Đây không phải lần đầu Apple được gắn với các thương vụ trong ngành bán dẫn. Năm 2017, khi Toshiba bán đi mảng sản xuất chip flash của mình, Apple cũng góp một phần trong liên minh mua lại mảng này. Chip nhớ cũng là một thành phần rất quan trọng trong mọi chiếc iPhone, iPad.
Trong khi Apple chưa tỏ ra hứng thú với thương vụ mua ARM, NVIDIA, một tập đoàn công nghệ khác, lại đang rất hào hứng. NVIDIA sở hữu những dòng chip xử lý cũng như GPU hàng đầu hiện nay.
NVIDIA đã liên hệ với ARM để đàm phán về khả năng mua lại, theo Bloomberg. Nếu thương vụ thành công, NVIDIA sẽ trở thành đối thủ khó chịu của những doanh nghiệp trong ngành bán dẫn như Intel, Qualcomm hay AMD.
Nếu sở hữu ARM, NVIDIA có lợi thế để tối ưu hiệu năng các chip của họ trên thiết bị như máy tính, server hoặc máy chơi game như Nintendo. Như vậy, sản phẩm của họ sẽ có lợi thế rất lớn so với đối thủ.
Trước đây, SoftBank từng nắm cổ phần của NVIDIA, với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, năm 2019 quỹ Vision Fund của SoftBank thông báo họ đã bán hết cổ phần NVIDIA.
Chẳng ai biết ARM sẽ thuộc về công ty nào, hay thậm chí SoftBank có thể bán nó hay không. SoftBank đã bán cổ phần của họ ở nhiều doanh nghiệp, bao gồm một phần tại Alibaba hay phần lớn sở hữu tại nhà mạng T-Mobile của Mỹ để đối phó với áp lực tài chính từ đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia của Bloomberg nhận định mọi doanh nghiệp muốn mua lại ARM đều sẽ phải trải qua quá trình thẩm định và có thể cả can thiệp về luật pháp. Những doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ của ARM có thể sẽ yêu cầu luật pháp can thiệp để đảm bảo chủ sở hữu mới sẽ tiếp tục cho họ sử dụng các công nghệ đó.
Thủ tục pháp lí là nguyên nhân khiến ARM là "miếng bánh ngon" trong làng bán dẫn, nhưng cuối cùng lại được một công ty không hoạt động trong ngành là SoftBank mua lại vào năm 2016.