Doanh nghiệp với những khoản lỗ 'khổng lồ' mùa Covid-19

6 tháng đầy khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm phổi cấp. Quý II/2020, ngành điện, vận tải, du lịch, dầu khí là những ngành có doanh nghiệp lỗ lớn. Đặc biệt, doanh nghiệp dầu khí còn chịu thêm tác động từ giá dầu xuống thấp kỉ lục.

Lọc hoá dầu Bình Sơn đứng đầu về con số lỗ

Cập nhật tới ngày 28/7 thì CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là doanh nghiệp ghi nhận lỗ kỉ lục do chịu ảnh hưởng kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu.

Muôn vàn câu chuyện doanh nghiệp báo lỗ - Ảnh 1.

Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính (* là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ).

Quí II Bình Sơn đạt 13.737 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 51% so với cùng kì năm 2019. Thu không đủ bù chi nên hết quí II doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.898 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ sau 6 tháng lên mức cao lịch sử 4.255 tỉ đồng.

Nói về nguyên nhân thua lỗ, lãnh đạo Bình Sơn cho biết do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu nên nhà máy luôn phải duy trì lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô ra sản phẩm. Do đó khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn thị trường.

Bên cạnh đó, quí II doanh nghiệp còn chịu tác động từ đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến nhu cầu sản phẩm lọc hoá dầu giảm mạnh đồng thời khoảng chênh giữa giá dầu thô và giá sản phẩm thu hẹp nhiều so với cùng kì năm trước nhất là khoảng tháng 4 và 5. 

Tại ngày 30/6, doanh nghiệp lỗ luỹ kế 1.385 tỉ đồng. Năm 2020, Bình Sơn đặt kế hoạch doanh thu 80.685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.

Doanh nghiệp ngành điện cũng báo lỗ vì Covid-19 và giá bán thấp

Theo báo cáo tài chính vừa mới công bố, CTCP Điện lực Khánh Hoà (Mã: KHP) lỗ tới 219 tỉ đồng trong quí II trong khi quí II/2019 chỉ lỗ gần 15 tỉ đồng. 

Theo KHP, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng điện thương phẩm và giá bán đều giảm làm doanh thu giảm mạnh. Riêng việc thực hiện giảm/miễn giá điện đến hết tháng 6/2020 để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo quy định của Nhà nước là hơn 92 tỉ đồng. 

6 tháng đầu năm, Điện lực Khánh Hoà đạt 2.236 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 11% và lỗ tổng cộng 230 tỉ trong khi cùng kì năm 2018 chỉ lỗ chưa tới 40 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp khác trong ngành điện cũng ghi nhận lỗ là CTCP Nhiệt điện Cẩm Phả (Mã: NCP) cũng báo lỗ 64 tỉ đồng trong quí II, trong khi cùng kì năm 2019 lãi 26 tỉ đồng.

Doanh nghiệp giải trình do quí II công ty thực hiện sớm công tác tiểu tu tổ máy S2 vào tháng 5 dẫn đến sản lượng thấp hơn so với 6 tháng năm 2019. Bên cạnh đó, giá bán điện thực hiện bình quân thấp do giá thị trường thấp dẫn đến công ty bị lỗ.

6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Cẩm Phả đạt 906 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 19% so với cùng kì năm 2019. Doanh nghiệp lỗ hơn 63 tỉ đồng nửa đầu năm, trong khi cùng kì 2019 lãi 35 tỉ đồng.

Hết quí II, tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên tới 1.136 tỉ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch 4.846 tỉ đồng doanh thu thuần, 9 tỉ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, Nhiệt điện Cẩm Phả mới chỉ thực hiện được 19% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.

Thu không bù chi, Than Núi Béo và COMA18 lại lỗ

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lỗ tới 140 tỉ đồng trong quí II là CTCP Than Núi Béo - Vinacomin (Mã: NBC), trong khi cùng kì 2019 lãi 9 tỉ đồng. Tổng lỗ luỹ kế đến hết quí II của doanh nghiệp là 139 tỉ đồng.

Doanh nghiệp giải trình do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến lao động bị thiếu hụt, công tác bố trí sản xuất gặp khó, sản lượng thấp không đạt kế hoạch.

Giấy phép khai thác lộ thiên mới được cấp ngày 28/4/2020 nên từ ngày 2/5 công tác sản xuất lộ thiên mới được triển khai. Sản lượng than nguyên khai 6 tháng là 580.909 tấn, đạt 29% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ của công ty chủ yếu là than chất lượng thấp, lỗ giá bán 111.317 đồng/tấn. Tổng lỗ giá bán của nửa đầu năm là 96 tỉ đồng.

Than Núi Béo thông tin thêm số liệu báo cáo tài chính quí II hiện là số tạm tính do công ty chưa quyết toán chi phí với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và chưa qua soát xét của kiểm toán.

Nhìn tổng quan ngành than nói chung thì các doanh nghiệp đều ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận như: Than Hà Lầm, Than Vàng Danh, Than Cọc Sáu, Than Mông Dương trong khi Than Núi Béo lại lỗ đậm.

CTCP COMA18 (Mã: CIG) báo lỗ 136 tỉ đồng trong quí II. Trong kì, doanh thu của CIG chỉ đạt gần 38 tỉ đồng trong khi giá vốn lên tới 174 tỉ đồng khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 137 tỉ đồng. Tổng lỗ luỹ kế của CIG hết quí II là 265 tỉ đồng.

Doanh nghiệp giải trình doanh thu thấp do CIG chỉ nhận gần 823 triệu đồng doanh thu các căn hộ chung cư Westa, doanh thu cho thuê hạ tầng cụm công nghiệp và phí nước thải tại cụm công nghiệp Thanh Oai.

Doanh nghiệp hiện tạm dừng hoạt động xây lắp, cơ khí, nhà hàng do hoạt động không hiệu quả. 

Để duy trì hoạt động, công ty phải thực hiện cho thuê mặt bằng dẫn đến thu nhập khác tăng và thực hiện đi vào khai thác hạ tầng các dự án khu công nghiệp nhưng ở giai đoạn đầu, do đó chưa có doanh thu.

Doanh nghiệp vận tải, du lịch chật vật vì Covid-19

Chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid-19, một doanh nghiệp vận tải là CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) lỗ 111 tỉ đồng trong quí II và nửa đầu năm lỗ tới 126 tỉ đồng. Quí II, Vinasun ghi nhận lỗ đậm nhất kể từ khi thành lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải cắt giảm tới 1.165 nhân viên chỉ trong vòng 6 tháng.

Lãnh đạo Vinasun cho hay, hoạt động của hãng trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19. Trong tháng 4, hãng đã phải dừng phần lớn các hoạt động kinh doanh của mình.

Không những thế, khả năng phục hồi của ngành vận tải hành khách thấp là nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ lớn trong quí II.

Mặt khác, Vinasun nhận định, công ty tiếp tục chịu áp lực với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường taxi, họ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ chấp nhận lỗ để cạnh tranh nhằm chiếm thị phần taxi chính thống.

Một doanh nghiệp khác trong ngành du lịch, khách sạn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch là CTCP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (Mã: BDP) lỗ 81 tỉ đồng trong quí II, tăng so với khoản lỗ 33 tỉ quí II/2019. 

Muôn vàn câu chuyện doanh nghiệp báo lỗ - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng Sheraton Grand Danang Resort. (Ảnh: BRG)

Trong quí II, đơn vị sở hữu khách sạn Sheraton Grand Danang Resort chỉ đạt 2,3 tỉ đồng doanh thu thuần. Chi phí chồng chi phí khiến BDP lỗ nặng trong quí II. 6 tháng đầu năm, BDP đạt 55 tỉ đồng doanh thu, giảm 70% và lỗ 149 tỉ đồng.

Hết quí II, tổng lỗ luỹ kế của BDP là 487 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 233 tỉ đồng. Khách sạn Sheraton Grand Danang Resort 5 sao bắt đầu vận hành từ đầu năm 2018 nhưng liên tục thua lỗ từ đầu năm 2018 đến nay.

Theo số liệu từ FiinGroup thì ngành du lịch, giải trí cũng được dự báo sẽ giảm tới 94% lợi nhuận trong năm 2020 do chịu ảnh hưởng từ đại dịch. 

chọn
Chung cư Hà Nội đã cắt sốt
Theo lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, khi mọi người xếp hàng để mua BĐS thì có nghĩa thị trường đang FOMO. Dự báo 3-6 tháng tới, khi lãi suất điều chỉnh tăng để giải quyết vấn đề tỷ giá, nhu cầu mua trên thị trường sẽ giảm.