(Ảnh minh họa: Tri thức trẻ) |
Trong kiến nghị gửi lên kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh về tình trạng bộ công cụ điều tra hộ nghèo còn nhiều điểm bất cập.
"Ví dụ như nhà có 1 con bò cũng như nhà có 15 con bò, nhà cấp 4 đã bị xuống cấp nghiêm trọng cũng giống nhà 2 tầng mới xây..." cử tri cho biết.
Trả lời cử tri, Bộ LĐ, TB & XH cho biết thiết kế của bộ công cụ rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo dựa trên việc xác định giá trị sử dụng của hộ gia đình đối với các tài sản, cụ thể là:
Tài sản đang còn có thể sử dụng được; không phân biệt nguồn gốc là mua, mượn hay được cho, tặng; phục vụ cho các mục đích cụ thể của hộ gia đình như: đi lại, phục vụ phát triển sản xuất (như xe máy, ô tô) hoặc tiếp cận thông tin (như tivi, đài rađio) để làm cơ sở ước lượng mức thu nhập và mức độ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình.
"Việc xác định giá trị cụ thể của tài sản trên đây chỉ phản ánh được về thực trạng tích lũy tài sản, không liên quan đến việc xác định mức thu nhập của hộ gia đình.
Mặt khác, các điều tra viên cơ sở cũng chưa được đào tạo, không có nghiệp vụ để đánh giá chính xác giá trị các loại tài sản của từng hộ gia đình", Bộ này cho biết.
Bộ Lao động cũng lấy ví dụ thực tế như tại khu vực Tây Nguyên, để phục vụ việc thu hoạch cà phê, nhiều hộ gia đình đã vay vốn ngân hàng, người thân… để mua ô tô phục vụ cho việc di chuyển, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình hiện nay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn do mất mùa, tiêu thụ kém... cùng với áp lực trả nợ nên có mức thu nhập thấp, trở thành hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.
"Mặt khác, bộ công cụ quy định các khoảng điểm cụ thể theo số lượng của một số loại tài sản (như gia súc, gia cầm,…) hoặc thông tin thành viên trong gia đình (như số lượng khẩu lao động).
Các khoảng số lượng và mức điểm cụ thể cho từng khoảng được nghiên cứu dựa trên số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình hằng năm của Tổng cục Thống kê theo các vùng trên toàn quốc.
Tuy nhiên, sẽ vẫn có những trường hợp đặc thù, cá biệt mà bộ công cụ và quy trình rà soát chưa thể phản ánh đúng thực trạng của hộ gia đình, do đó, cần sự tham gia của cán bộ cơ sở (cấp xã và thôn, bản...) và đại diện các hộ gia đình trên địa bàn trong quá trình thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại cơ sở", Bộ LĐ, TB & XH thông tin.
Cũng liên quan đến xác định tiêu chí hộ nghèo, cử tri tỉnh Long An cho rằng điều này không phát huy được nội lực, tinh thần tự giác của người dân, một số hộ nghèo cho rằng do được nhà nước chăm lo nên không muốn thoát nghèo.
"Thực tế nhiều hộ dân thoát nghèo nhưng mức thu nhập vẫn nằm cận chuẩn nghèo, số lượng hộ cận nghèo rất lớn, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Vì vậy, cách đánh giá nghèo đơn chiều theo thu nhập đã bộc lộ những hạn chế, cần xem xét, đánh giá nghèo từ góc độ đa chiều (nghèo về vật chất, về con người, về xã hội)", cử tri Long An cho biết.
Theo Bộ Lao động, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 đã từng bước được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình.
Hạn chế các chính sách cho không, hỗ trợ trực tiếp; các chính sách được xây dựng theo hướng tăng cường trách nhiệm, ý thức vươn lên của các hộ gia đình như các chính sách hỗ trợ có điều kiện thông qua các dự án, thông qua việc hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi...
"Đối với các hộ gia đình thoát nghèo, hiện nay đã có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo để đảm bảo việc thoát nghèo bền vững của các hộ gia đình", Bộ LĐ, TB & XH cho hay.
Lạ: Nhà hộ nghèo vẫn giữ cây mai hàng trăm triệu chơi tết
Ở vùng nông thôn Tây Nam bộ, hầu như nhà nào cũng đều có vườn hoa mai, ít thì một vài cây, nhiều lên đến ... |