Năm ngoái, con gái của một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và chịu hậu quả nặng nề của Hội chứng chiến tranh Việt Nam, cô ấy muốn sang Việt Nam, tìm cách giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam để linh hồn người cha quá cố của mình được thanh thản.
Chưa đến Việt Nam bao giờ, cô ấy rất lo lắng, cứ hỏi đi hỏi lại tôi rằng: Liệu ở nơi ấy, người ta có còn ghét người Mỹ? Cô ấy liệu có gặp nguy hiểm gì không? Tôi đã nói với cô ấy rằng: Đừng lo. Người Việt Nam không quên quá khứ, nhưng hướng tới tương lai, chúng tôi rất thân thiện và hiếu khách. Rất nhiều người Mỹ hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam, rất nhiều khách du lịch từ Mỹ sang Việt Nam hàng ngày, họ không có gì phải lo lắng cả.
Người con gái cựu binh Mỹ đã sang Việt Nam, và chứng thực lời tôi nói. Mọi người đón tiếp cô ấy ân cần, để lại cho cô ấy những ấn tượng tốt đẹp.
Vì thế khi đọc những lời phản đối dữ dội với Daniel Hauer, một thày giáo người Mỹ sống ở Việt Nam, được biết tới với những video dạy tiếng Việt trên mạng, tôi ngỡ ngàng không hiểu anh ta đã làm gì.
Lời bình luận hỗn xược của Daniel Hauer khiến rất đông người Việt nổi giận. |
Và, khi biết được đầu đuôi câu chuyện, rằng anh ta, khi thấy một người nước ngoài chia sẻ trên mạng rằng sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên ngực nếu đội tuyển U23 Việt Nam giành được chức vô địch bóng đá châu Á, Daniel Hauer đã mỉa mai bằng một câu nói khiếm nhã, bất kính tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính tôi cũng cảm thấy nghẹt thở vì tức giận.
Sự khác biệt văn hóa ư? Đó không phải là sự khác biệt văn hóa. Chẳng có văn hóa nào cho phép sỉ nhục một vị anh hùng dân tộc của một đất nước cả. Một đất nước mà anh ta chọn làm nơi đến để kiếm sống, xây dựng hạnh phúc.
Suốt 5 năm trời qua anh ta ở bên cạnh những người Việt, lẽ nào không hiểu văn hóa Việt nam? Không thể cho rằng đó là sự khác biệt văn hóa. Văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ đâu phải là thế! Kể cả ở Mỹ người ta cũng không thể bôi nhọ những danh nhân đã được cộng đồng tôn vinh. Mà danh tiếng lẫy lừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vượt qua biên giới Việt Nam ra khắp địa cầu.
Khá nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, thường theo dõi kênh Youtube của Daniel Hauer để học tiếng Anh vì người ngoại quốc này sống ở Việt Nam, nói được tiếng Việt và thường post các video để sửa lối nói tiếng Anh sai cho người Việt. Nhưng đến hôm nay, lượng người bỏ theo dõi (unsubscribe) anh ta cũng tăng lên nhanh chóng, tính bằng từng giây.
Sang Việt Nam, anh ta làm nghề dạy tiếng Anh. “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, đó là văn hóa Việt Nam, luôn kính trọng thày giáo. Lẽ ra, Dan nên hiểu đúng thái độ khiêm nhường của người Việt, chứ không nên hợm hĩnh một cách ngu ngốc và gây ra một chuyện không thể tha thứ được như vậy.
Daniel Hauer ngay sau đó đã làm một video xin lỗi, nhưng lời xin lỗi của anh ta chẳng được ai chấp nhận. Anh Võ Trung, người cháu nội của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phản ứng trên Facebook: “Thường chuyện gì tôi cũng có thể bỏ qua nhưng việc lần này thì không, tôi cũng quen rất nhiều bạn bè nước ngoài và văn hóa khác biệt có những trò đùa như thế nào tôi cũng biết, nhưng người này thì khác hoàn toàn bởi chúng ta phần lớn đều đã xem qua những clip được chia sẻ nhiều về văn hóa Việt Nam và anh ta cũng là một người rất hiểu về văn hóa nơi đây”.
Bản chất tự do thái quá, tầm văn hóa cá nhân quá thấp chính là điều đã khiến Daniel Hauer trở nên lố bịch và đang phải trả giá đắt.