Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sau khi Tạp chí Pi được thành lập cuối năm 2016, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Phó Tổng Biên tập, người khởi xướng và là mạnh thường quân của tạp chí đã chia sẻ bài toán này lên trang cá nhân. Nội dung bài toán như sau:
Một anh chàng sinh viên sống ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) và nhà gần một bến xe buýt. Anh chàng có hai cô bạn gái, một nàng ở Ký túc xá Đại học Kinh tế quốc dân, một nàng ở Ký túc xá Đại học Sư phạm. Để đến chơi với cô bạn ở KTQD, anh chàng bắt chuyến xe buýt xuôi xuống KTQD, để đến thăm cô bạn ở ĐHSP, anh lại bắt chuyến xe buýt ngược lên. Vì anh chàng thích hai cô gái như nhau nên anh ấy cứ ra bến xe buýt và lên chuyến xe đầu tiên đi qua hai chỗ này. Chiều thứ bảy hàng tuần, anh chàng ra bến xe một cách ngẫu nhiên. Các chuyến xe buýt đến KTQD và ĐHSP cứ đều đặn 15 phút lại có một chuyến. Sau một thời gian, không hiểu vì lý do gì, anh chàng nhận ra rằng mình đến thăm cô bạn ở KTQD nhiều gấp đôi cô bạn ở ĐHSP. Bạn có thể đưa ra lý do hợp lý nào để giải thích điều này không?
Trình độ thích hợp để giải bài này: từ lớp 1 đến Giáo sư, Tiến sĩ khoa học.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nói đùa trên facebook rằng mình chưa biết giải quyết vấn đề "một chàng sinh viên có tới hai bạn gái" này như thế nào. Mới đây, khi tạp chí Pi ra số đầu tiên, câu trả lời cho bài toán thú vị này đã có.
Câu trả lời đơn giản cho tình huống này là lịch trình của xe buýt. Theo lịch trình, xe buýt đi Đại học Sư phạm từ bến này chậm sau 5 phút so với chuyến đi đến Đại học Kinh tế quốc dân. Nếu anh chàng này đến bến một cách ngẫu nhiên thì cơ hội để gặp xe đi Đại học Sư phạm chỉ rơi vào khoảng thời gian 5 phút, trong khi cơ hội đi Đại học Kinh tế quốc dân lại rơi vào khoảng thời gian 10 phút, và do đó anh ta thấy mình đến Đại học Kinh tế quốc dân nhiều gấp đôi so với Đại học Sư phạm, đáp án trên Tạp chí Pi viết.
Cũng theo chủ Quán Toán trên Tạp chí Pi, Quán Toán đã nhận được rất nhiều phản hồi cho bài toán này, kể cả nhiều độc giả ở nước ngoài. Có độc giả đưa ra cách giải đơn giản như trên, cũng có độc giả dùng lý thuyết xác suất để đưa ra kết quả. Tạp chí Pi cho biết rất ấn tượng với lời giải đúng của ba độc giả, có thể là nhỏ tuổi nhất trong số các độc giả có lời giải đúng: Bảo Long, Khánh Chi, Quý Đăng, Lớp 7C1 - THCS Archimedes, Hà Nội.