Tôi tham khảo Tiết 2.3, Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT về bản đồ địa chính thì thấy quy định một thửa đất chỉ có một mục đích sử dụng. Tuy nhiên, tại Tiết 2.4, Khoản 2, Điều 8 lại quy định một thửa đất có thể có nhiều mục đích sử dụng. Tôi xin hỏi, hai nội dung nêu trên có mâu thuẫn với nhau không? Trường hợp theo quy phạm bản đồ thì một thửa đất có nhiều mục đích sử dụng. Do đó, có thể hợp thửa từ những thửa đất có những mục đích sử dụng khác nhau không?
Độc giả: Hoàng Minh
Ảnh minh họa. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Tiết 2.4, Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT có ghi: “Trường hợp thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích thì phải thể hiện các mục đích sử dụng đất đó” là quy định đối với các trường hợp cùng thửa đất nhưng người sử dụng đất đồng thời hoặc luân phiên cho các mục đích khác nhau (ví dụ như vừa trồng lúa nước vừa nuôi cá, thửa đất xen canh, gối vụ các loại cây trồng khác nhau…).
Do đó, nội dung này không mâu thuẫn với quy định tại Tiết 2.3, Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
Theo quy định tại Tiết 2.3, Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT thì thửa đất được xác định có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Do đó, việc hợp thửa đất phải bảo đảm nguyên tắc có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 20 ngày.
Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất như sau:
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa; Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
- Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất.
- Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:a) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;b) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận