Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, thay thế nghị định Nghị định số 102/2014/NĐ-CP. Theo đó, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt từ 20 – 500 triệu đồng tùy theo diện tích.
Đáng chú ý, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phần lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt từ 50 triệu đến 1 tỉ đồng tùy diện tích.
Nghị định này quy định biện pháp khắc phục là buộc làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của UBND cấp tỉnh; Buộc chủ đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; Buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt; Buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm...
Khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019, quy định các hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử phạt lên đến 1 tỉ đồng. Theo đó, hành vi lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; phạt tiền từ 40-100 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 đến dưới 1 héc ta; phạt tiền từ 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1 héc ta trở lên.
Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị có thể bị xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định nêu trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỉ đồng đối với tổ chức.
Năm 2019 thị trường địa ốc phía Nam chứng kiến hàng loạt vụ lừa bán dự án "ma" khiến hàng nghìn người sập bẫy. Công an TP HCM liên tiếp bắt lãnh đạo các công ty bất động sản lập dự án ma lừa bán cho người dân, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng như Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land.
Trong đó, một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba). Công an TP.HCM đã công bố 43 dự án “ma” của Địa ốc Alibaba ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty Alibaba đã thu được hơn 2.500 tỉ đồng từ việc kí kết hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng.
Ngày 18/9/2019, Bộ Công an đã phối hợp cùng Công an TP.HCM khám xét trụ sở Địa ốc Alibaba, sau đó khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Thái Luyện (CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (TGĐ Địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngay sau “cú lừa” của Alibaba, một loạt công ty kinh doanh đất nền khác tiếp tục được phanh phui. Đầu tháng 11, cơ quan công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty này tự xưng là chủ đầu tư của hàng loạt dự án ma tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân… rồi quảng cáo, mời gọi người mua góp vốn đầu tư. Sau khi thu tiền, Công ty Angel Lina đã không thực hiện đúng cam kết. Người mua không được giao đất cũng không thể lấy lại khoản tiền đã đóng.
Một doanh nghiệp chuyên vẽ dự án "ma" khác bị điều tra là Công ty TNHH tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land). Giám đốc công ty này là bà Trần Thị Hồng Hạnh, người đã kí hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất nền tại bảy dự án không có thật, không được cấp phép đầu tư ở vùng ven TP.HCM với hàng trăm khách hàng, hòng chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng. Cuối tháng 11/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Hạnh.
Các chiêu trò bán dự án ma không chỉ xuất hiện ở TP HCM và các tỉnh lân cận phía Nam mà còn bị phát hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mới đây, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố và thực hiện lệnh bắt giữ Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Địa ốc Hưng Thịnh Phát về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công ty này đã mở bán nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhưng tất cả đều là dự án ảo, chưa được cấp phép. Ông Kha bị nhiều khách hàng tố cáo đã nhận tiền cọc của khách hàng, lợi dụng lòng tin của người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản.
Ghi nhận trên thị trường thời gian qua, sau cú sốc hàng loạt công ty bán dự án ma sụp đổ thị trường đất nền rơi vào cảnh ảm đạm, lao dốc. Từ năm 2018 đến nay, sốt đất nền không còn là độc tôn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang mà đã sôi động trên hầu hết các vùng miền, không chỉ ở vùng ven như Bắc Ninh, Thái Nguyên mà còn lan tỏa cả đến những vùng sân xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc,...
Ông Dương Đức Hiển - Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam các hệ thống siêu lừa này sụp đổ là lời cảnh tỉnh cần thiết. Ông Hiển chỉ ra rằng, sai lầm trong câu chuyện đầu tư đất nền chính là việc mua đi bán lại để tăng giá. Những mảnh đất không được đầu tư phát triển xây dựng, không có tính thương mại nhưng lại được mua đi bán lại, đẩy giá lên cao và sau đó thế chấp tại ngân hàng là nguyên nhân gây phát sinh bong bóng.
“Tôi chỉ nhìn vào đất nền giống như một lương khô, tôi đầu tư mua một mảnh đất để sau này cho con cái thay vì việc mua xong và kỳ vọng trong vòng 1-2 tháng hay 6 tháng, 1 năm bán nó đi để kiếm lời gấp đôi. Không có câu chuyện đó xảy ra. Nếu cả nước tập trung đầu tư đất nền sẽ dẫn đến việc nhiều người sở hữu rất nhiều đất nhưng không “đẻ” được ra tiền” – ông Hiển nói.
Theo vị Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam, đất nền chỉ là một trong những sản phẩm của rất nhiều sản phẩm bất động sản. Nhà đầu tư có dòng vốn dư thừa thì có thể quan tâm đầu tư đất nền thay vì sử dụng đòn bẩy tài chính.
Cũng theo ông Hiển, tâm lí của nhiều nhà đầu tư hiện đang đầu tư theo phong trào, chủ quan.
“Nếu cứ nghe nói có dự án đất nền ở chỗ này chỗ kia sốt nhưng khi tới nơi giấy tờ giấy phép chưa đầy đủ, xung quanh chưa có gì hạ tầng chưa xong nhiều chỗ xuống vẫn còn thấy ruộng thì mua gì. Theo tôi tất cả những nhà đầu tư khi tham gia đầu tư đất nền đặc biệt những dự án còn chưa có giấy phép là những nhà đầu tư quá chủ quan và nhẹ dạ” – ông Hiển đánh giá.
Những vụ điều tra mở rộng và bắt giam các lãnh đạo công ty địa ốc cũng cho thấy cơ quan quản lí nhà nước siết mạnh quản lí để chấn chỉnh thị trường. Cùng với đó việc đưa ra chế tài xử phạt nặng theo Nghị định 91 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/1 tới đây sẽ khiến cho việc mua bán đất nền minh bạch.