Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, tỉnh Long An.
Theo quyết định, nhà đầu tư là Công ty TNHH Saigontel Long An. Dự án có quy mô sử dụng đất 244,74 ha, địa điểm thực hiện tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.590,422 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của Nhà đầu tư là 440,372 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Nhà đầu tư thực hiện dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thời gian hoạt động của dự án kéo dài 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.
Ngày 21/8/2006, Khu công nghiệp Nam Tân Tập được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Phát triển các khu công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 1107/QĐ-Ttg.
Về nhà đầu tư dự án, Công ty TNHH Saigontel Long An được thành lập vào tháng 2/2021, có trụ sở tại lô 6A, đường số 3, Khu công nghiệp Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Đặng Thành Tâm.
Doanh nghiệp này có điều lệ đăng ký 450 tỷ đồng, trong đó, CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) góp vốn 337,5 tỷ đồng, tương đương 75% vốn điều lệ. 112,5 tỷ đồng còn lại (tương đương 25%) do CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng nắm giữ.
Liên quan đến dự án nói trên, theo Báo Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An trước đó đã tiếp nhận văn bản xin chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập của 5 nhà đầu tư, trong đó có Liên danh CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn và CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.
Trong thông báo số 695/TB-UBND ngày 15/12/2020 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Long An tại cuộc họp triển khai các thủ tục tiếp theo đối với phương án xét chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kết luận rằng do việc xét chọn nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các sở ngành, thống nhất phương án chọn Liên danh CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn và CTCP Khu Công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này.
Theo Vietnamnet, ngay sau khi có thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo của tỉnh Long An về chỉ định nhà đầu tư, một trong 5 nhà đầu tư xin chủ trương thực hiện dự án là CTCP Đầu tư An Kiến Phát đã có văn bản gửi UBND tỉnh Long An và các sở ngành đề nghị xem xét lại phương án chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Tập.
Doanh nghiệp này cho rằng trong các thông báo của Hội đồng đầu tư tỉnh Long An đã kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ lập quy hoạch, sau đó sẽ lập thủ tục xét chọn hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án có nhiều nhà đầu tư. Công ty kiến nghị xem xét lại việc đã chỉ định nhà đầu tư đồng thời tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc tổ chức xét chọn nhà đầu tư minh bạch, công khai theo đúng quy định.
Sau khi CTCP Đầu tư An Kiến Phát gửi văn bản đề nghị trên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã chủ trì tổ chức cuộc họp về vấn đề này. Tại đây, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết các sở, ngành, địa phương thống nhất phương án chọn nhà đầu tư và kết quả chọn nhà đầu tư liên danh CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn và CTCP Khu Công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng của UBND tỉnh Long An.
Đồng thời, đề nghị CTCP Đầu tư An Kiến Phát xem xét đồng thuận theo kết quả xét chọn của tỉnh và có văn bản xem xét lại văn bản đề nghị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc tổ chức xét chọn nhà đầu tư minh bạch, công khai.
Sau đó công ty đã có văn bản đồng ý thu hồi kiến nghị trước đó. Tuy nhiên, công ty vẫn kiến nghị tỉnh Long An cùng các sở, ngành tạo điều kiện, hướng dẫn để nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận với các thủ tục, hồ sơ kịp thời, nắm bắt được các thông tin và nguyện vọng kêu gọi đầu tư và phát triển của tỉnh nhằm có sự chuẩn bị tốt hơn về năng lực, kinh nghiệm để đạt được tiêu chí đánh giá của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lựa chọn nhà đầu tư và được chọn làm chủ đầu tư.
Ngày 13/1/2021, tại văn bản số 112/BXD-HĐXD gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Long An cho ý kiến thẩm định quyết định chủ trương đầu tư của dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Bộ Xây dựng cho rằng việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về Đầu tư, Đất đai, Đấu thầu và các quy định hiện hành khác của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ này cho biết thêm, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư xây dựng của dự án cần được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng.
Trong báo cáo ngày 16/3/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Long An đã nêu cơ sở Long An chọn CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn và CTCP Khu Công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng. Một trong số đó là đánh giá năng lực, cụ thể là khả năng huy động vốn.
Theo đó, Long An cho rằng nhà đầu tư có khả năng huy động vốn từ tổ chức tín dụng để thực hiện dự án, thể hiện bằng Thư hứa thu xếp, cung cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) và cam kết của CTCP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn (công ty mẹ) đảm bảo cho Công ty TNHH Saigontel Long An về nguồn tín dụng để thực hiện dự án".
Ngoài ra, tỉnh Long An còn khẳng định Saigontel Long An có 450 tỷ đồng gửi tại HDBank. "Số tiền này đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu tối thiểu về vốn theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là 388,578 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư đối với dự án có sử dụng đất có quy mô từ 20 ha trở lên)", văn bản nêu rõ.