Đầu tư 2.600 tỷ đồng thực hiện dự án kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình

Dự án kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia có tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, tương đương 112.554.122 USD.

Ngày 5/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1385/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia" sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.

Dự kiến tổng vốn thực hiện dự án là 2.600 tỷ đồng, tương đương 112,6 triệu USD bao gồm: vốn vay ODA 1.550 tỷ đồng, tương đương 67,1 triệu USD được sử dụng cho chi phí xây lắp, tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát và dự phòng và vốn đối ứng 1.050 tỷ đồng, tương đương 45,5 triệu USD.

Việc sử dụng vốn được phân kỳ thành hai giai đoạn: 2021-2025 là 2.394 tỷ đồng và 2026-2030 là 206 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án là 6 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.

Đầu tư 2.600 tỷ đồng thực hiện dự án kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình - Ảnh 1.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình. (Ảnh: Huy Hoàng).

Theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ, dự án gồm hai hợp phần.

Hợp phần 1 sẽ tăng cường khả năng kết nối TP Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia thông qua nâng cấp tuyến quốc lộ 6 từ đoạn (Km64+500) đến nút giao đường Chi Lăng (Km73+500) có chiều dài khoảng 9 km.

Hợp phần 2 sẽ tăng cường khả năng chống lũ kết hợp phát triển hạ tầng đô thị thành phố Hòa Bình gồm bốn hạng mục như sau: kè suối Chăm, Mát kết hợp xây dựng đường giao thông đỉnh kè; nâng cấp, cải tạo kè Đà Giang đoạn từ hạ lưu cầu Trắng đến đầu kè Đà Giang; làm mới 300 m kè khu vực nút giao cầu Trắng; xây dựng đường Trần Hưng Đạo kéo dài nối với quốc lộ 6.

Về mục tiêu, dự án kết nối giao thông và thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, tăng tính kết nối giữa TP Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia và hạn chế được vấn đề ngập lụt tại trung tâm thành phố. Sau khi dự án được hoàn thành sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hòa Bình. 

UBND tỉnh Hòa Bình cần đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành; triển khai dự án đúng thời hạn phê duyệt. Đồng thời, UBND tỉnh Hòa Bình cần bố trí đủ kế hoạch vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo đúng tiến độ dự án. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về những thông tin, số liệu báo cáo; phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc để đàm phán Hiệp định vay dự án theo đúng quy định.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...