Đầu tư sân bay Long Thành: Nên để Nhà nước hay tư nhân?

Chính phủ kiến nghị giao cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhưng nhiều đại biểu lo ngại có thể làm tăng nợ công và yêu cầu đánh giá, tính toán kỹ hơn về tổng mức đầu tư, công nghệ...
 - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ hơn tác động của nợ công khi giao cho ACV vay vốn làm sân bay Long Thành. (Ảnh: T.L).

Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 với 21 đại biểu đăng ký phát biểu.

Công trình quốc gia nên thận trọng, chặt chẽ

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, đại biểu tỉnh Bắc Giang, đồng tình với việc không vay vốn ODA thực hiện dự án, vì sẽ tác động đến nợ công, trong khi đây lại là công trình liên quan tới quốc gia nên cần thận trọng, chặt chẽ.

Bà Hoa đề nghị Chính phủ xem xét chỉ định cho doanh nghiệp thực hiện dự án, gồm hai doanh nghiệp là ACV và Công ty Quản lý bay Việt Nam. Lý do, đây là DN nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 95%, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì ACV là đơn vị duy nhất đáp ứng và có khả năng triển khai dự án đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng cho rằng nếu giao dự án cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không, và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

"Sun Group làm được sân bay Vân Đồn, tại sao ACV không làm được như Sun Group, trong khi chúng ta có nguồn lực thì tại sao không làm được. Phải nói là ACV làm rất tốt công tác chuẩn bị, truyền thông, vận động hành lang rất tốt",  đại biểu Hồng đặt vấn đề.

Băn khoăn giao cho ACV hay tư nhân

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (đại biểu Hà Nội) cho rằng ba lí do để giao ACV như đây là đơn vị có kinh nghiệm, có nguồn vốn, việc thực hiện không qua đấu thầu có thể tiết kiệm được thời gian triển khai sớm dự án là chưa thuyết phục.

Ông Cường đặt vấn đề việc chỉ định thầu cho ACV có thể rút ngắn được 1,5 năm nhưng trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án chưa chắc đã rút ngắn được thời gian. Vì đây là DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, nên tất cả các hạng mục triển khai đều phải đấu thầu, có thể làm chậm trễ dự án, trong khi tư nhân thì không phải đấu thầu. 

Ông Cường cũng cho rằng chưa thể khẳng định chỉ ACV chỉ có kinh nghiệm mà các đơn vị khác không có kinh nghiệm, và dù ACV có kinh nghiệm nhất, nhưng thực tế với với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân có thể làm tốt.

Chưa kể, theo ông Cường, việc giao cho ACV cũng chưa chắc đảm bảo vốn tốt nhất, bởi 3/4 nguồn vốn dự án phải đi vay, thủ tục phức tạp, và khi xảy ra rủi ro Nhà nước có thể gánh. Trong khi đó nhiều tập đoàn tư nhân luôn săn sàng tham gia đầu tư, linh hoạt huy động vốn, điển hình như đường cao tốc Bắc - Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho biết việc xem xét toàn bộ hồ sơ dự án theo quy định là chưa có. Về tiến độ thực hiện, mục tiêu đặt ra là khó vì hồ sơ báo cáo chậm, tiến độ thu hồi đất mới chỉ đạt trên 1%, mục tiêu năm sau bàn giao đất sạch vào 2020 khá khó khăn.

Đối với nguồn vốn và khả năng huy động vốn, ông Thành cho rằng cần đánh giá kĩ hơn cũng như tác động khoản vay này đến trần nợ công. Lí do là trong tờ trình nêu ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng từ 21 cảng, song đến nay chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, chưa thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần.

Chưa kể, trong báo cáo tiền khả thi vốn đầu tư cảng Long Thành là 16 tỉ USD, trong giai đoạn 1 là 4,79 tỉ USD, nhưng hiện chưa có khái toán là bao nhiêu. 

Với số vốn dự kiến gần 5 tỉ USD thì có thể huy động các nguồn, nhưng với 11 tỉ USD giai đoạn tiếp theo thì "khả năng huy động vốn thế nào?". Chưa kể về hiệu quả tài chính, liệu đã dựa trên các chi phí đầy đủ, và nhất là so sánh với tổng mức đầu tư của hai sân bay đã nêu trên.

Làm sân bay Long Thành: đại biểu Quốc hội nói ACV vận động hành lang rất tốt - Ảnh 2.

Ông Bùi Xuân Thống kiến nghị cần sớm có văn bản hướng dẫn 5 dự án thành phần.

Ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai:

Chưa thẩm định 5 dự án thành phần gây chậm tiến độ dự án

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bồi thường, thu hồi đất, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng hồ sơ và bản vẽ, thiết kế cơ sở 5 dự án thành phần có cấu phần xây dựng chưa được đóng dấu thẩm định, nên UBND tỉnh Đồng Nai không có cơ sở để tổ chức thẩm định, phê duyệt và thực hiện.


Tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Xây dựng từ ngày 26/7/2019, nhưng đến ngày 16/10/2019 (ngày Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kiểm tra tiến độ thực hiện dự án), vẫn chưa nhận được các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành. Đây cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ thực hiện dự án.


Tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm phối hợp ủng hộ, hướng dẫn tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành các thủ tục, hồ sơ theo quy định để đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.