Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) bội thu cổ tức năm 2020, lợi nhuận tăng gấp rưỡi năm 2019

Lợi nhuận sau thuế của SCIC trong năm 2020 ước đạt 6.197 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch và tăng gấp rưỡi so với năm 2019.

Ngày 30/12, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.

SCIC cho biết năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động mạnh do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dịch Covid-19,...  tác động tiêu cực và nhiều chiều đến nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC còn gặp nhiều khó khăn.

Đến ngày 31/12/2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch. Trong đó doanh thu cổ tức ước đạt 4.633 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch; doanh thu bán vốn ước đạt 1.173 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 602 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch. Doanh thu tài chính của SCIC ước đạt 2.128 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế năm 2020 ước đạt 6.197 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.

Năm 2019, doanh thu của SCIC đạt 6.760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.067 tỷ đồng. Như vậy so với năm 2019 thì doanh thu và lợi nhuận của SCIC năm 2020 ước tăng lần lượt 17,5% và 52%. 

Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, giai đoạn 2015 - 2020, SCIC đã bán vốn thành công tại 253 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 14 doanh nghiệp thu về 42.145 tỷ đồng trên giá vốn 8.910 tỷ đồng, gấp 4,7 lần. 

Hiện danh mục SCIC còn 145 doanh nghiệp, trong đó có hơn 50% doanh nghiệp đã triển khai bán vốn nhưng không thành công. 

Về tình hình triển khai hoạt động đầu tư, trong giai đoạn 2015 - 2020, SCIC đã triển khai nghiên cứu nhiều cơ hội đầu tư vào nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau và đã thực hiện giải ngân đầu tư 14.970 tỷ đồng (gồm cả đầu tư hiện hữu, đầu tư chỉ định, cổ phiếu, trái phiếu). 

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2020 được Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước phê duyệt,  SCIC đã triển khai nghiên cứu 31 cơ hội đầu tư, trong đó có 7 cơ hội đã được phê duyệt chủ trương nghiên cứu, chuyển sang giai đoạn trình chủ trương đầu tư, tập trung chủ yếu vào các hoạt động đầu tư tài chính gồm đầu tư vốn tại các doanh nghiệp có vốn SCIC, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu ngân hàng…

Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, SCIC đã tiếp nhận 7/14 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 8.306 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.246 tỷ đồng.

Ngoài ra, SCIC đã triển khai xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2020 - 2025. 

Trong đó, dự thảo có định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là "nhà đầu tư của Chính phủ", hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư của Chính phủ.

Hiện dự thảo đang được Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. 

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.