Đại biểu cho rằng nên đấu thầu quốc tế cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh: Di Linh).
Chiều 31/10, tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đã nêu vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Đại biểu Trí cho biết nước ta đang và sẽ triển khai rất nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia, nhân dân, cử tri lo lắng sẽ lựa chọn phải những nhà thầu có năng lực tài chính yếu, năng lực thi công kém, không nghiêm túc trong các hoạt động để triển khai dự án.
"Từ đó dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn "khủng", công trình không đảm bảo an toàn, công trình nhanh xuống cấp. Lo lắng này của nhân dân, của cử tri là rất có lý, rất đáng ghi nhận", ông Trí nói.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, ngày 14/9/2019, Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để tiến hành đấu thầu rộng rãi trong nước để thực hiện việc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
"Đây là một quyết định hợp lòng dân có thể làm gương cho các dự án khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cũng nên thực hiện đấu thầu quốc tế để tìm ra được nhà thầu có năng lực, có tài chính, có kinh nghiệm thi công quốc tế, nhưng quan trọng là không để lọt những nhà thầu yếu, kém và xấu như đã nói trên", ông Trí đề nghị.
Đáng chú ý, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị hàng năm Chính phủ cần thực hiện việc chấm điểm các công ty, tập đoàn đã từng có thực hiện các dự án lớn ở nước ta.
"Đặc biệt là chấm điểm cả các quốc gia của nhà thầu thực hiện dự án ở nước ta mà chậm tiến độ, thi công kém, chất lượng không đảm bảo đưa vào danh sách đen để thông báo rộng rãi quốc tế và trong nước.
Điều này để khi sơ tuyển nhằm loại cho được các công ty, tập đoàn yếu kém từ các quốc gia có các dự án tai tiếng không cho thực hiện các dự án mới ở Việt Nam", ông Trí nhấn mạnh.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ. (Ảnh: Di Linh).
Cũng liên quan đến các công trình trọng điểm quốc gia, đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) cho biết chất lượng xây dựng một số công trình có vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội chậm khắc phục như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
"Nếu ai có đi đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thấy hoàn toàn khác nhau. Xin mời đại biểu Quốc hội sẽ đi các con đường trên", ông Cường chia sẻ.
Đáng chú ý, đại biểu Phan Việt Cường, với những hạn chế sau khi xây dựng con đường cao tốc ở Quảng Nam, đoàn ĐBQH đã kiến nghị với Bộ GTVT.
"Bộ GTVT hứa tháng 9/2019 sẽ giải quyết, nhưng đến nay vẫn im hơi lặng tiếng. Nếu Bộ không có khả năng giải quyết thì thông báo cho địa phương để có hướng khắc phục", ông Cường nói.
Cũng về vấn đề giao thông, đại biểu cường cho biết toàn quốc có 22 sân bay, trong đó có 21 sân bay do Tổng công ty Hàng không ACV quản lí, vận hành.
"Trong 21 sân bay có 8 sân bay làm ăn có lãi, có 13 sân bay làm ăn thua lỗ, hạ tầng ngày càng xuống cấp nhưng vẫn cứ giữ.
Nhiều địa phương đã có văn bản gửi đến Chính phủ và đề nghị cho cơ chế xã hội hóa nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương nhưng đến nay vẫn tắc nghẽn", ông Cường cho biết thêm.
Đại biểu đề nghị xây dựng giao thông đường sắt. (Ảnh: Di Linh).
Tại phiên thảo luận chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội cũng nêu vấn đề về thực trạng giao thông hiện nay.
"Cùng với sự phát triển của kinh tế thì số lượng người và phương tiện giao thông tham gia ngày càng tăng, tình trạng ùn tắc giao thông.
Đặc biệt ở các thành phố lớn ngày càng nghiêm trọng, do vậy cần nghiên cứu kĩ và xây dựng những giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài để giải quyết tận gốc vấn đề này", ông Chính nói.
Theo đại biểu, hiện nay, chúng ta mới tập trung phát triển về giao thông đường bộ, giao thông đường không, còn giao thông đường sắt vẫn chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức. Trong khi đây là những phương tiện vận tải có hiệu quả và an toàn cao.
"Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu xây dựng giải pháp tăng cường phát triển giao thông đường sắt ở nước ta", ông Chính kiến nghị.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT quản lí chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, thanh tra chất lượng duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường quốc lộ cũng như tỉnh lộ.
"Bởi vì cũng có những lúc sửa chữa nhưng không đảm bảo chất lượng, chỉ sau một thời gian nhất định lại hỏng, gây bức xúc cho người tham gia giao thông cũng như gây bức xúc cho nhân dân", ông Sùng Thìn Cò nói.