Trước nhu cầu dạy học ngoại ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế, năm 2008, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Đề án dạy học ngoại ngữ có tổng kinh phí là 9.378 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì. Đề án đã qua hai giai đoạn, chi phí hàng nghìn tỉ đồng nhưng kết quả đã không đạt được như kỳ vọng khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội vừa qua.
Đề án hơn 9 nghìn tỉ đồng, học sinh vẫn không đạt điểm trung bình ngoại ngữ
Theo báo cáo của Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tổng số kinh phí đã chi từ năm 2011 đến 2015 là hơn 3.829 tỉ đồng, gồm 2.198 tỉ đồng được cấp từ ngân sách trung ương và 1.631 tỉ đồng từ nguồn đối ứng của địa phương.
Đề án ngoại ngữ này khiến dư luận bức xúc vì sau khi tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng trong nhiều năm, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn không được cải thiện Trong khi đó, giáo dục ĐH năm 2015, có 25% số trường được kiểm tra chưa xác định chuẩn đầu ra ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: ông rất ấn tượng với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì sự thẳng thắn. Bởi vì thừa nhận Đề án không đạt được mục tiêu có nghĩa là thừa nhận trách nhiệm của đề án với chính mình. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới nhận nhiệm vụ, không phải người chịu trách nhiệm trực tiếp trong chuyện này. Nhưng ông có cái khó của mình: một mặt phải nhận trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, chịu trách nhiệm về những thất bại của đề án ngoại ngữ này. Cách xử lý của ông là gánh lấy trách nhiệm giải quyết và vạch ra những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. Khi đề án không đạt mục tiêu, trách nhiệm nghiễm nhiên thuộc về Bộ GD-ĐT.
Đưa ra giải pháp cho đề án đã không có tính khả thi cao này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay cần phải rút kinh nghiệm từ chính bước đi của mình chứ không lấy đó làm buồn vì khi soạn ra đề án. Người làm hướng đến một mục tiêu cao quá nhưng điều kiện không đạt được chứ không phải đề án “vứt đi hoàn toàn”. “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần thay mặt Chính phủ đã giải trình, tiếp thu và cam kết thực hiện một số biện pháp giải quyết vấn đề. Công việc tiếp theo Bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết của mình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Bộ trưởng cần tăng cường làm việc, thống nhất với các cơ quan, tổ chức liên quan. Tiếp tục đi sâu đi sát, thúc đẩy hiện thực hóa những cam kết cộng tác, phối hợp này. Hy vọng là đến kỳ họp sau của Quốc hội, nhiều vấn đề các Đại biểu quốc hội đặt ra sẽ được giải quyết có kết quả.” – GS.TS Thuyết khẳng định.
Chia sẻ với phóng viên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng việc đề án thất bại chính là đặt ra mục tiêu quá cao, không phù hợp thực tế. “Một đề án muốn hiệu quả thì người thực hiện phải đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đội ngũ giáo viên - người thực hiện, lại không đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ đạt chuẩn quá thấp. Thế thì làm sao đòi hỏi học sinh phải đạt trình độ theo khung năng lực được? Chưa kể đến các chương trình SGK đã mô phỏng theo cách học của các nước khác mà không tính toán tới trình độ của chính học sinh trong nước và tới từng vùng, miền.” - GS Đào Trọng Thi chỉ ra những sai sót.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội |
Đi tìm các giải pháp, chia vùng thực hiện
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung - chuyên gia cao cấp Đề án Ngoại ngữ 2020, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ cho hay: Đề án ngoại ngữ 2020 đang thực hiện điểm nhấn 10 năm phổ cập ngoại ngữ tức là học sinh sẽ phải có 10 năm học ngoại ngữ bắt buộc. Mục tiêu cho tới năm 2018 sẽ cố gắng thúc đẩy các giáo viên dạy ngoại ngữ cần nâng cao năng lực, trình độ, bồi dưỡng nghiệp vụ của mình.
Ngoài ra, hoạt động khảo thí, xây dựng nguồn học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, xây dựng mô hình học tập cộng đồng tạo thành hệ thống giải pháp thực hiện dạy và học ngoại ngữ tốt ở trường phổ thông cũng phải được bàn tới. Ở các trường ĐH, CĐ, Bộ khuyến khích các trường tăng cường dạy ngoại ngữ giao tiếp cho sinh viên với giáo viên bản ngữ, tăng cường dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ, sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn đã tốt nghiệp ở nước ngoài tham gia giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành cho sinh viên.
"Tôi thấy khả năng ngoại ngữ của học sinh hiện nay khác nhiều so với 3 năm trước và tôi cũng tin trong giai đoạn 2016 - 2020, cả xã hội từ lãnh đạo đến phụ huynh, học sinh cho đến các nhà chuyên môn cùng tăng tốc về đích, chúng ta có thể đạt được mục tiêu chuyển từ giáo dục kiến thức sang xây dựng năng lực. Khi đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên ra trường sẽ đáp ứng yêu cầu của đề án một cách phù hợp. Để dạy học ngoại ngữ hiệu quả, trước tiên các trường ĐH phải xây dựng các trung tâm bồi dưỡng giáo viên, khảo thí và trung tâm học liệu tốt.
Ngành giáo dục cũng tăng cường giám sát để người học đạt chuẩn bậc nào phải có trình độ thực tế ở chuẩn bậc đó, vùng nào, miền nào thì thực hiện ở đó, tránh tình trạng đạt chứng chỉ chuẩn bậc cao nhưng trình độ lại ở bậc thấp. Bộ GD-ĐT khuyến khích các đơn vị khảo thí quốc tế tham gia và sẽ thành lập trung tâm khảo thí quốc gia để bảo đảm thống nhất đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ người học, tránh tình trạng mỗi trường đánh giá năng lực ngoại ngữ một kiểu." - ông Trung đưa ra giải pháp.
Một giáo viên dạy ngoại ngữ trường THCS ở Hà Nội chia sẻ: Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 yêu cầu giáo viên THCS phải có chứng chỉ B2 theo khung năng lực ngoại ngữ. Phần lớn các giáo viên dạy ngoại ngữ đều phải đi học bồi dưỡng để thi cho đạt chứng chỉ B2 theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình bồi dưỡng, người dạy chủ yếu dạy cho xong theo kiểu “đếm giờ lên lớp để lĩnh tiền”.
Được biết, chi phí của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chuyển cho địa phương đứng ra tổ chức bồi dưỡng năng lực là 10 triệu đồng/giáo viên. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là những đơn vị đủ điều kiện dạy bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên phổ thông (chủ yếu là các trường ĐH) làm qua quýt thì được địa phương thường xuyên mời về dạy, đơn vị nào làm nghiêm túc thì ít được mời.
"Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong xu thế hội nhập đổi mới đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo có những giải pháp triển khai phù hợp, tạo đột phá và hiệu quả cao. Không thể chạy theo thành tích rồi đưa ra những cách làm vội vàng cùng những mục tiêu xa rời thực tiễn, chi tiêu hàng nghìn tỉ đồng mà không hiệu quả, tạo nên nguy cơ thất bại trong đổi mới giáo dục đào tạo nước ta. Cần những cú huých bằng chính sách, tạo động lực cho người học thấy được học ngoại ngữ để làm gì và có tác dụng gì, học ngoại ngữ là cả một quá trình chứ không phải chỉ để phục vụ thi cử. Tuy nhiên, công bằng mà nói, thời gian đầu của đề án, Bộ cũng đạt được một số hiệu quả như thay bằng phân kinh phí cho địa phương thì nay tập trung cho chuyên môn trên cơ sở đó Bộ sẽ có kế hoạch riêng" - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho hay.