'Đế chế' Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản có những gì?

Không chỉ có hệ thống khách sạn Mường Thanh trải dài đất nước, Tập đoàn này còn sở hữu các dự án bất động sản tầm trung với quỹ đất lớn cùng việc đầu tư "tay ngang" du lịch và y tế...
de che muong thanh cua ong le thanh than co nhung gi
Chân dung đại gia "hút thuốc lào đi Roll Royce" Lê Thanh Thản

Từ khách sạn duy nhất tại Điện Biên cho đến chuỗi 50 khách sạn Mường Thanh

Tiền thân của Tập đoàn Mường Thanh là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu do ông Lê Thanh Thản thành lập những năm 90. Sau đó công ty đổi tên thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, có trụ sở tại Điện Biên.

Năm 1993, doanh nghiệp này xây dựng khách sạn Điện Biên Phủ tại Điện Biên. Năm 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị công ty tiền thân của Mường Thanh nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Thời điểm đó, công ty tiến hành đổi lấy và xây dựng nên khách sạn Mường Thanh năm 1997. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự ra đời của thương hiệu Mường Thanh.

Từ cơ sở ban đầu tại Điện Biên, tính đến nay chuỗi khách sạn Mường Thanh đã phát triển với hệ thống hơn 50 khách sạn và dự án khách sạn được chia thành 4 phân khúc gồm Luxury, Grand, Holiday và Mường Thanh trải dài khắp đất nước. Cuối tháng 7/2016, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh đã khai trương khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Vientiane tại Thủ đô nước CHDCND Lào, cũng là khách sạn đầu tiên của Mường Thanh tại thị trường nước ngoài.

Hiện tại hệ thống khách sạn của Mường Thanh đang tập trung nhiều nhất tại Nghệ An (quê hương của ông Thản) với tổng cộng 10 khách sạn bao gồm 2 khách sạn Mường Thanh Luxury, 5 khách sạn Mường Thanh Grand và 3 khách sạn Mường Thanh Standard. Hà Nội là địa phương xếp thứ 2 khi đóng góp 2 khách sạn Mường Thanh Grand và 1 khách sạn Mường Thanh Standard. Các tỉnh khác đều chỉ sở hữu 1 khách sạn trong hệ thống của Mường Thanh.

Mới đây nhất ngày 15/6/2017, khách sạn thứ 50 của Tập đoàn Mường Thanh chính thức được khai trương tại Phủ Lý, Hà Nam. Như vậy trải qua 20 năm hoạt động, trung bình cứ mỗi năm chuỗi khách sạn của Mường Thanh lại tăng thêm con số 2,5 khách sạn và đồng thời được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” vào tháng 5/2017.

de che muong thanh cua ong le thanh than co nhung gi
Khách sạn Mường Thanh tại Quảng Bình

Nhắc đến Mường Thanh người ta nhắc đến đại gia Lê Thanh Thản, tuy nhiên ít người biết rằng đứng sau quản lý chuỗi khách sạn đồ sộ Mường Thanh, đồng thời là “cánh tay” đắc lực cho ông Thản lại chính là cô con gái cả Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc.

Thông tin từ Vietnamnet, CTCP Tập đoàn Mường Thanh đều thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản, trong đó ông Lê Thanh Thản nắm 70%, bà Lê Thị Hoàng Yến nắm giữ 20% và ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 10%.

Ông “trùm” bất động sản giá rẻ

Ông Lê Thanh Thản từng nói rằng: “Khách sạn chỉ là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội và lấy chỗ dựa để thúc đẩy thêm ngành bất động sản. Khi nào bất động sản kém rồi thì lấy khách sạn làm chính”.

Do đó năm 2000, sau 3 năm xây dựng cơ ngơi tại Điện Biên, Mường Thanh tiến về thủ đô Hà Nội kế hoạch kinh doanh bất động sản.

Với công thức, thu mua bất động sản ở những vị trí cách xa trung tâm, sau đó chờ đợi quy hoạch đô thị sẽ giúp giá đất tăng nhanh chóng, Mường Thanh ngắm ngay khu đất đầu tiên tại Linh Đàm.

Những dự án chung cư tại Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ của Doanh nghiệp Xây dựng nhân số 1 Điện Biên được tiến hành đều đặn trong các năm, giá mua được tiết lộ chỉ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Theo ông Thản, quỹ đất ở khu vực Tây Nam Hà Nội mà ông chuẩn bị vẫn còn đủ để tiến hành nhiều dự án khác.

Trong khi bất động sản cao cấp đang bùng nổ nhanh chóng dẫn đến nguy cơ dư thừa, thì Mường Thanh lại chọn cho mình hướng đi khác, ngắm vào phân khúc khách hàng bình dân.

Với giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, căn hộ tại các dự án bất động sản mà Mường Thanh bán đều có giá trị nằm trong khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, đây là phân khúc nhà ở có nhu cầu rất lớn tại Hà Nội. Thực tế cho thấy, các dự án này mỗi khi mở bán đều đắt như tôm tươi, lượng căn hộ hàng năm được bán ra lên đến cả chục nghìn căn hộ.

de che muong thanh cua ong le thanh than co nhung gi
Dự án chung cư HH3, HH4 tại Linh Đàm rất thành công của Mường Thanh

Không chỉ riêng Hà Nội, các dự án chung cư của Mường Thanh cũng đang hiện diện tại các tỉnh thành có thị trường bất động sản tiềm năng như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Các dự án chung cư Mường Thanh phải kể đến như khu chung cư Thanh Hà Cienco5, Xala tại Hà Đông, khu chung cư tại Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ (Hà Nội), chung cư Mường Thanh Cửa Đông Vinh – Nghệ An, chung cư Mường Thanh Bắc Ninh, chung cư Sơn Trà – Đà Nẵng hay các dự án khu chung cư phân bổ tại Nha Trang…

Tuy nhiên, các dự án bất động sản của Mường Thanh những năm gần đây liên tục dính những điều tai tiếng mà đặc biệt là các dự án tại Hà Nội. Các sự vụ như sập giàn giáo tại dự án Thanh Hà Cienco5 làm nhiều công nhân bị thương, cháy tại chung cư Xa La – Hà Đông hay HH4 Linh Đàm, những phản ánh khác về việc chung cư của Mường Thanh kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều.

Mới đây nhất, Mường Thanh lại tiếp tục vướng vào nghi án trốn thuế tại 12 dự án trên địa bàn Hà Nội.

Mường Thanh còn “tay ngang” nhiều lĩnh vực khác

Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn, Nghệ An được thành lập từ năm 2007 trực thuộc Tập đoàn Mường Thanh, là bệnh viện tư nhân được thiết kế đồng bộ theo quy chuẩn của bệnh viện đa khoa. Sau 10 năm hoạt động, bệnh viện đã khám chữa bệnh và tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú trung bình 400 người/tháng.

Đến năm 2017, Tập đoàn Mường Thanh quyết định xây dựng thêm khu tòa nhà mới, đưa bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn chuyển đổi sang mô hình bệnh viện khách sạn chất lượng cao. Bệnh viện được đầu tư xây dựng với 7 tầng, quy mô 300 giường bệnh, trang bị công nghệ đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Chưa hết, năm 2015 Mường Thanh đá chân qua lĩnh vực du lịch khi rót vốn 70 tỷ đồng mua cổ phần của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông, doanh nghiệp chủ sở hữu hai khách sạn lớn nhất nhì tỉnh Nghệ An là khách sạn Cửa Đông và khách sạn Phương Đông.

Hiện tại, thông qua các cá nhân và tổ chức liên quan, ông Thản đang nắm giữ khoảng 10,05 triệu cổ phần tại Phương Đông, tương đương hơn 67% vốn điều lệ công ty này.

de che muong thanh cua ong le thanh than co nhung gi

Hai khách sạn của Dầu khí Phương Đông sau thương vụ mua cổ phần được sáp nhập vào hệ thống khách sạn của Mường Thanh và đem lại hiệu quả tích cực. Theo báo cáo mới nhất của Phương Đông, 3 tháng đầu năm 2017, công ty này ghi nhận 15 tỷ đồng doanh thu, và lãi ròng 3,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đang lỗ gần 220 triệu đồng.

Ngoài ra hiện tại, cá nhân ông Thản còn đang sở hữu trại bảo tồn động vật hoang dã Trại Bò rộng 100ha, riêng vườn thú rộng 35ha ở Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An, với nhiều loài động vật quý hiếm như tê giác, sư tử, hổ, bò tót... Chi phí vận hành hàng năm khoảng 5 tỷ đồng. Dự kiến Mường Thanh sẽ rót thêm khoảng 70 tỷ đồng nâng cấp vườn thú trong tương lai.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.