Đề nghị ưu tiên đầu tư nhiều dự án, công trình giai đoạn 2021-2025

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị ưu tiên bổ trí đầu tư công cho một số dự án, công trình.

Các công trình bảo vệ môi trường

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An), đề nghị lưu ý đầu tư công cho các hoạt động bảo vệ môi trường. 

Đại biểu cho biết, thực hiện Nghị quyết số 73 của Chính phủ, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 807 phê duyệt Chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lí triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích trong giai đoạn 2016-2020. 

Theo đó, 30 bãi rác và 70 điểm ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng sẽ được ưu tiên xử lí. Đầu tư xây dựng ba dự án xử lí nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra ba lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai. 

Tổng kinh phí cho chương trình này là 4.648 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn bố trí cho chương trình này chỉ có 535 tỉ đồng, bằng 11% so với dự kiến.

Việc thiếu vốn đầu tư dẫn đến các mục tiêu trong chương trình này đến nay không đạt được như dự kiến kế hoạch. 

Theo báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ bố trí vốn cho xử lí triệt để ô nhiễm môi trường thấp, tỉ trọng cơ cấu đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho cấp nước, thoát nước, xử lí rác thải, nước thải rất thấp, chỉ đạt 0,3%.

Loạt dự án, công trình được đề nghị ưu tiên bố trí đầu tư công giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. (Ảnh: Quochoi).

Trong khi đó, mục tiêu chung trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đề cập chung là chú trọng bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, trong mục tiêu, định hướng, cơ cấu cụ thể lại không đề cập nội dung nào đầu tư cho bảo vệ môi trường. Trong danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa có dự kiến danh mục dự án mới. Tại danh mục dự án chuyển tiếp cho giai đoạn này của 63 địa phương cũng chỉ có duy nhất một dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đó là ở tỉnh Quảng Ninh.

Do đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. 

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tổng kết chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh dịch vụ xử lí chất thải trong thời gian tới.

Các dự án đường cao tốc, đường dây truyền tải điện

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm về chủ trương và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; và đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và nâng cấp sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội cho Côn Đảo.

Loạt dự án, công trình được đề nghị ưu tiên bố trí đầu tư công giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. (Ảnh: Quochoi).

Đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) cho biết dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2015-2020, được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tại Quyết định ngày 28/10/2016, song giai đoạn này chưa bố trí giao vốn, nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. 

Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét, bố trí vốn vào Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 để tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đáp ứng sự chờ đợi, mong mỏi nhiều năm nay của đồng bào nhân dân các dân tộc.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) thì lưu đến việc bảo đảm nguồn lực đầu tư công trung hạn để kịp thời nâng cấp 1.200 hồ chứa, sửa chữa 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, có giải pháp phù hợp với 4.000 hồ do cấp huyện, xã đang quản lí trong điều kiện nguồn lực rất khó khăn. 

Đồng thời, xây dựng bản đồ vùng ngập lụt, sạt lở, quản lí hành lang thoát lũ theo phân cấp nhằm ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn vùng hạ du; xây dựng đề án đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2020-2030.

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.