ĐB Phạm Khánh Phong Lan
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) ngoài bày tỏ sự bức xúc về chậm trễ trong xử lý vụ gian lận thi cử và đặt câu hỏi: có 108 học sinh ở Sơn La, Hòa Bình gian lận điểm thi, làm mất cơ hội của 108 em khác. “Bộ GD-ĐT trả lời không thể xét lại cho 108 em bị mất cơ hội, vì sẽ gây xáo trộn toàn hệ thống. Nhưng có những xáo trộn vẫn phải làm”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.
Theo ĐB Phong Lan, hồ sơ dữ liệu điểm thi của thí sinh đã có, hoàn toàn có thể xét lại cơ hội cho các em, nếu không giải quyết ngay năm nay thì các em phải được bảo lưu kết quả để kỳ tới được xét duyệt.
“Đó là kết quả 12 năm đèn sách của các em. Nếu không giải quyết thì các em, xã hội mất niềm tin vào sự công bằng của xã hội. Đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị. Còn ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nói cử tri đặt nhiều câu hỏi về xử lý vụ gian lận thi cử: Bao giờ xử lý xong, cán bộ có con em được nâng điểm thi thì xử lý ra sao?.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2018, bên hành lang Quốc hội ngày 21-5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - đã trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ việc gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2018 diễn ra ở địa phương này đã khá lâu nhưng việc xử lý vẫn còn chậm.
“Cái gì cũng có quy trình của nó. Khởi tố vụ án liên quan đến con người thế nào, trách nhiệm ra sao? Vụ việc đang trong quá trình xử lý”- Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nói và cho rằng có thể “một tháng nữa sẽ có kết quả”.
Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong vụ việc này, ông Triệu Tài Vinh cho rằng ông còn “nóng” hơn người khác. “Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”- Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho hay.
Theo phản ánh của báo chí, trong số các thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hà Giang có không ít gia đình có lý lịch “đặc biệt”. Nhiều trường hợp là con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành, một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh.
Đơn cử như tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn lần 1. Đáng chú ý, con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng được nâng điểm. Ông Vinh bác bỏ thông tin gia đình sắp xếp để em được nâng điểm, bởi bản thân em có thành tích học tập cao.
Đến nay, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can gồm bà Triệu Thị Chính - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang; ông Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; bà Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Hội đồng thi THPT quốc gia ở Hà Giang và khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can là Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài.
Khác với Sơn La, Hòa Bình, vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang được phát hiện sớm nên đã trả về điểm thực của các thí sinh ngay trước kỳ xét tuyển ĐH-CĐ năm 2018.