Dính bê bối gian lận thi cử, giáo dục VN vẫn 'phát triển ấn tượng'

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là các hệ thống giáo dục "phát triển thực sự ấn tượng".

Sáng 8/5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế.

Đáng chú ý, thu cân đối ngân sách vượt dự toán 8%, chi ngân sách được đảm bảo, xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Bội chi, nợ công được kiểm soát.

Dính bê bối gian lận thi cử, giáo dục VN vẫn phát triển ấn tượng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội.

Cũng theo ông Dũng, năm qua việc cải cách hành chính, cải cách tư pháp đã được thúc đẩy mạnh mẽ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực. Quy mô GDP tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với năm 2017 và gấp 1,32 lần so với năm 2015, tốc độ tăng đạt 7,08%, vượt số đã báo cáo (6,7%) và mục tiêu Quốc hội giao (6,5-6,7%).

Quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm.

Quốc tế ghi nhận kết quả đổi mới giáo dục

Trong lĩnh vực giáo dục, dù dính bê bối gian lận, tiêu cực thi cử nhưng báo cáo của Chính phủ cho thấy kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Gian lận thi cử cùng với vấn đề sách giáo khoa, bạo lực, xâm hại trẻ em được đánh giá là những mặt còn hạn chế, gây bức xúc xã hội.

Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Làm rõ, xử nghiêm cán bộ và lãnh đạo tiếp tay cho gian lận thi cử

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày ghi nhận hoạt động giáo dục và đào tạo đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đồng thời nêu những tồn tại chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp, cơ cấu nhân lực chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Dính bê bối gian lận thi cử, giáo dục VN vẫn phát triển ấn tượng - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm những cán bộ, lãnh đạo tiếp tay cho gian lận thi cử. Ảnh: Quốc hội.

“Hiện, kết quả điều tra cho thấy 222 thí sinh được nâng điểm, trong đó nhiều trường hợp đã trúng tuyển, đỗ thủ khoa các trường đại học một cách không thực chất”, ông Thanh dẫn chứng và đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, hậu quả, biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, theo đại diện cơ quan thẩm tra, hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục còn hạn chế, công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm và bài học trong công tác quản lý.

Cho rằng trong giáo dục còn nhiều vấn đề mà người dân hết sức quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc này đòi hỏi cơ quan quản lý phải rà soát và có giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm như gian lận trong thi cử, chất lượng một bộ phận nhà giáo còn thấp, một số ít nhà giáo còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và hiệu quả trong công tác tuyển sinh các bậc học, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình hình bạo lực học đường...

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.

Đồng thời, kỳ thi trung học phổ thông và đại học năm 2019 cần được tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt,  tránh những sai sót, tồn tại đã từng xảy ra.

Trong vụ gian lận thi cử vừa qua, tỉnh Hà Giang có 114 thí sinh có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn từ 1,0 điểm đến 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Tỉnh Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.

Tỉnh Hòa Bình có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh năm 2018 và 1 thí sinh năm 2017) được sửa điểm thi với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi.

Đặc biệt, có thí sinh được nâng điểm 3 môn với tổng số 26,45; bài thi Hóa học của 1 thí sinh được nâng 9,25 điểm.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.