Chiều ngày 4/9, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi.
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng kí quản lí cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không qui định điều kiện đăng kí thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.
Đồng thời, điều này tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng kí thường trú.
Về việc xóa đăng kí thường trú, các đại biểu đề nghị cần xem xét thận trọng các trường hợp xóa đăng kí thường trú bởi có thể sẽ tác động bất lợi đến người dân khi thực hiện các quyền và thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cá nhân, thông tin về nơi thường trú.
Tuy nhiên, Luật do Chính phủ qui định xóa đăng kí thường trú chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú đang được đăng kí của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu.
Liên quan đến thời điểm có hiệu lực thi hành thay đổi phương thức quản lí cư trú mới, hiện vẫn còn hai ý kiến trái chiều.
Ý kiến thứ nhất, ý kiến này đề nghị người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022.
Lí do cho rằng các cơ quan Bộ, ngành, cơ sở dữ liệu không đủ thời gian để đảm bảo xây dựng hoàn thiện dữ liệu và vận hành ngay được trên thực tế.
Ý kiến thứ hai, ý kiến này đồng ý với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lí cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có qui định chuyển tiếp, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021.
Những người ủng hộ ý kiến này cho rằng phương thức quản lí cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ. Đồng thời, qui định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, ý kiến của ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Đồng Tháp) đánh giá đây là việc hết sức hệ trọng: "Nếu bỏ ngay e rằng khó khăn cho người dân trong quan hệ dân sự với cơ quan Nhà nước, công quyền. Họ không nắm được mà đòi hỏi xác nhận thì sẽ phiền hà”.
Zingnews đưa tin, phía cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc có ý kiến khác về việc Luật Cư trú (sửa đổi).
Ông Ngọc đề nghị chỉ nên qui định sẽ bỏ sổ hộ khẩu khi Luật Cư trú (sửa đổi) chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2021, không có qui định chuyển tiếp là được phép sử dụng sổ đến hết ngày 31/12/2022.
Ông Ngọc cho biết thêm, dự kiến đến cuối tháng 12/2020, toàn công dân Việt Nam sẽ được xác lập số định danh cá nhân.
Trước đó, Bộ Công an cho biết đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.
Dự thảo Nghị định bổ sung qui định việc xác lập số định danh cá nhân đối với toàn bộ công dân đã đăng kí khai sinh để đáp ứng yêu cầu quản lí dân cư và quản lí cư trú thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung hình thức khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng thông tin điện tử nhằm tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự mà không phải sử dụng hình thức bằng văn bản thông qua cơ quan nhà nước.