Theo tờ trình của Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP Hà Nội, qua rà soát có 55 cầu do thành phố quản lý và 89 cầu quận huyện quản lý phải đầu tư cải tạo. Lý do là nhiều cầu nhỏ hơn bề rộng đường dẫn, tải trọng bị hạn chế do kết cấu xuống cấp. Hệ thống dầm một số cầu bị nứt vỡ, dầm thép và hệ liên kết ngang hầu hết rỉ sét, mặt cầu bị thủng, gối cầu han rỉ...
Các cầu yếu thuộc thành phố quản lý như cầu Lủ (Hoàng Mai), cầu Dậu (Thanh Trì), cầu Ngũ Xã (Ba Đình), cầu 72 II (Hoài Đức), cầu Kim Ngưu (Hai Bà Trưng)... nằm trên tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, được xây dựng từ lâu nên kết cấu xuống cấp, không đáp ứng được tải trọng. Hiện các cầu này phải cắm biển hạn chế tải trọng, dẫn đến giảm khả năng thông hành của tuyến đường.
Các cầu thuộc cấp huyện quản lý đều là cầu tạm, khổ hẹp và đã xuống cấp, đa số chỉ đảm bảo một làn xe chạy hoặc đáp ứng nhu cầu cho xe thô sơ, xe máy qua lại. Cá biệt có nhiều cầu do người dân dựng lên, kết cấu tạm bợ, không ổn định. Một số cầu dạng này là Văn Minh, Kiều Đông (Phú Xuyên), cầu Gồ (Hoài Đức).
Từ thực tế nêu trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng việc cải tạo, đầu tư thay thế các cầu yếu, cầu tạm trên địa bàn là cần thiết. Tổng kinh phí dự kiến xây mới, sửa chữa 144 cầu khoảng 2.500 tỷ đồng từ ngân sách.
Về tiến độ, năm 2024-2025 thành phố thực hiện thủ tục với các cầu xây mới, tổ chức khởi công và khai thác giai đoạn 2026-2030. Nhóm cầu duy tu, sửa chữa được thực hiện theo kế hoạch hàng năm.
Trước đó hồi tháng 6, Ban Duy tu (Sở Giao thông Vận tải) đề xuất sửa chữa cầu Thanh Trì. Hiện toàn bộ 378 gối cầu cao su bản thép, 180/198 gối cầu nhịp dầm liên tục đúc trên đà giáo đã bị phồng, rạn nứt bề mặt. Tổng kinh phí sửa chữa gần 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội, thực hiện hai năm 2024-2025.