Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu đoàn Bắc Giang Trần Văn Tuấn đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quy hoạch.
Đối với các địa phương đã hoàn thành việc lập và được phê duyệt quy hoạch tỉnh, đề nghị Chính phủ giao cho UBND tỉnh chủ động phê duyệt quy hoạch đối với khu công nghiệp có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên mà không cần phải xin ý kiến các bộ, ngành trung ương đối với các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 82 năm 2018 của Chính phủ.
Lý do là quy hoạch các khu công nghiệp đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó vị trí, quy mô, ranh giới các khu công nghiệp đã được các bộ, ngành trung ương xem xét, thẩm định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng cần quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác phối hợp giữa bộ, ngành trung ương với địa phương trong triển khai lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để khắc phục tình trạng phải điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn được phê duyệt trước cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn được phê duyệt sau.
Cũng liên quan đến vấn đề thẩm quyền trong điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quang Huân đoàn Bình Dương cho biết, một dự án kỹ thuật thông thường mà theo Luật Xây dựng thì phải có quy hoạch, có báo cáo tiền khả thi, đến báo cáo khả thi, thiết kế chi tiết.
"Càng những bước sau thì càng chi tiết ra, khi chúng ta chi tiết, chúng ta tính toán kỹ mà lại vướng với những nội dung ban đầu thì hiện nay chúng ta đang có những quy định phòng không rõ ràng. Nhiều khi những quy hoạch ban đầu lại là những bắt buộc và nó là rào cản cho những bước sau", ông Huân nhận định.
Đại biểu đưa ví dụ với một tỉnh trong vòng 10 năm tới phát triển một khu đô thị sẽ có quy hoạch một ngành, ở trong là một quy hoạch con - hệ thống cấp nước.
Với bước quy hoạch ban đầu thì kiến trúc sư đặt 1 nhà máy nước ở một vị trí A, nhưng đến giai đoạn thiết kế chi tiết thì các kỹ sư nước tính tối ưu hóa mạng lưới, thấy rằng nhà máy nước cần phải chuyển đến vị trí B và như vậy phải về điều chỉnh quy hoạch.
"Nếu điều chỉnh quy hoạch như thế thì có phải điều chỉnh quy hoạch đô thị không? Quy hoạch đô thị lại nằm ở trong hệ thống quy hoạch quốc gia và có thể liên kết với quy hoạch tỉnh và khi điều chỉnh quy hoạch tỉnh thì đấy là cấp của Thủ tướng. Vậy thì có cần phải trình lại Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch hay không? Trong khi ở tầm quản lý quốc gia thì Thủ tướng đã rất nhiều công việc quan trọng hơn", ông Huân đặt vấn đề.
Trong báo cáo của Đoàn giám sát có một kiến nghị về điều chỉnh quy hoạch là cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thì khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch.
Nếu điều chỉnh quy hoạch mà lại trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thì đối với ở cấp tỉnh 2 quy hoạch này là 2 quy hoạch rất quan trọng, quy hoạch mang tính xương sống, nó định hướng cho các quy hoạch khác.
Nếu quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trước đấy được phê duyệt và bây giờ quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt và sau này chúng ta lại chỉnh sửa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, chúng ta lại trừ 2 quy hoạch này ra, chúng ta vẫn phải làm nhiệm vụ quy hoạch. "Đây là những rào cản, tôi thấy có thể sẽ vướng cho các địa phương để thực hiện trong quá trình sau này", ông Huân nhận định.