Đề xuất diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn để giải quyết bài toán nhà ở TP HCM

Trước thực trạng có 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần xem xét lại qui định mức diện tích tối thiểu được tách thửa theo hướng thấp hơn.

Tại hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021-2035" tại TPHCM, hôm qua 17/9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, theo thống kê năm 2019, dân số thành phố này chỉ khoảng 9 triệu người, nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập tại đây.

Tốc độ gia tăng dân số nhanh, cứ bình quân mỗi năm TP HCM gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm khoảng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực rất lớn trong công tác quản lý đô thị, đòi hỏi phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề về nhà ở.

Khảo sát của Sở Xây dựng TP này cho thấy đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP HCM đạt 19,9 m2, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3 m2/người. Và hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình. 

photo-1

Ảnh minh họa: Vũ Lê.

Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở, có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65% - 94% đối tượng khảo sát); có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư. 

Và hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới một tỉ đồng/căn), hoặc thuê mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ. 

Trên cơ sở đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) đã  kiến nghị các cơ quan chức năng ở các quận nội thành, không nên tiếp tục cho phép "khoét lõm" xây dựng chung cư mini. Xây dựng lại chung cư cũ và chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch cần kết hợp với chỉnh trang khu vực lân cận. Chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ cần phát triển dự án theo khu phố, khối phố, ô phố. 

Thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ là ưu tiên số 1, hoặc tái định cư trong địa bàn của quận, tránh việc tái định cư người dân ra khỏi địa bàn sinh sống, làm ăn quen thuộc.

Đối với các quận ven và huyện thành, vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị nên hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ, trừ một số khu vực đặc thù. Quản lý chặt chẽ hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ qui hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Ngoài ra ông Châu cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Đồng thời, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn, ông Châu cũng đặt ra vấn đề cần xem xét lại, có thể qui định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn (qui định diện tích tối thiểu hiện nay là 36 m2, 50 m2, 80 m2) để giải quyết bài toán nhà ở. 

Cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp "sổ đỏ" cho "căn nhà nhỏ" của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý, có tình đối với trường hợp nhà "3 chung".

Ông Lê Hoàng Châu cũng đưa ra kiến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng đầu tư các dự án nhà ở vừa túi tiền đang có nhu cầu rất lớn và tính thanh khoản cao, an toàn và tích cực tham gia các dự án phát triển đô thị mới và các dự án chỉnh trang đô thị như xây dựng lại các chung cư cũ; chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch; các dự án nhà ở xã hội... 

Cũng tại hội thảo, theo PGS, TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội qui hoạch và phát triển đô thị TP HCM, nhà chung cư và sống ở chung cư đang đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Chỉ có nhà chung cư mới đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người mỗi năm. Với sự hỗ trợ của công nghệ mới, kỹ thuật mới và vật liệu mới, loại nhà này xây dựng nhanh và tiết kiệm đất.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, TP HCM cần tái qui hoạch không gian để khơi thông quĩ đất cho thị trường bất động sản trong đó có nhà chung cư; đồng thời chấm dứt kiểu phát triển nhà chung cư và nhà ở ôm đường, nằm sát dọc theo các trục lộ; hình thành nên các trung tâm mới theo hình thái "đa trung tâm". 

Hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh, như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Him Lam, Khu đô thị mới Dragon City, Khu dân cư Nam Long, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị - Cảng biển Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc. Trong 3 năm gần đây, TP đã bổ sung thêm Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và thúc đẩy phát triển dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa...

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.